Chốc lát với Hoàng Su Phì
Cập nhật lúc: 28/03/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 28/03/2019, 06:00
Bẵng một khoảng thời gian hai đứa bặt tin nhau, bỗng ngày nọ tôi bất ngờ nhận được Email của Phương, một người đàn chị thân thiết cùng học cấp 3. Tôi biết Phương làm cho một công ty quảng cáo quốc tế mà cô ấy đã phải rất cố gắng mới vào được, vậy nên khó có thể nói hết sự ngạc nhiên của tôi khi biết bạn mình quyết định nghỉ việc một năm để đi khắp Việt Nam. Phương mong muốn rằng tôi có thể đồng hành cùng cô trong hành trình đầu tiên, coi như là để kỷ niệm tình bạn của hai đứa.
Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 2 lên phía Bắc khoảng hơn 300 km, còn cách thị xã Hà Giang hơn 40 km nữa, chúng tôi gặp ngã ba Hoàng Su Phì. Khi rẽ vào con đường độc đạo dẫn tới huyện biên giới vùng cao này, bạn như bước vào một thế giới hoàn toàn khác biệt. Nằm ở vùng biên giới nơi địa đầu của tổ quốc, Hoàng Su Phì là một huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang. Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp huyện Xín Mần, phía đông giáp huyện Vị Xuyên, phía đông nam và nam giáp các huyện Bắc Quang, Quang Bình cùng tỉnh. Nơi đây hầu như còn giữ được nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ, Dao áo… dài từ phong tục tập quán, lễ hội truyền thống đến phương thức canh tác trồng trọt.
Tạm rời xa không khí tập nập, đông đúc và nhộn nhịp của thủ đô, chúng tôi đến với vùng đất Tây Bắc vào những mùa vụ bận rộn. Không khói bụi và ồn ào xe cộ, bỏ lại sau lưng những phương tiện giao thông hiện đại, chúng tôi được leo qua những ngọn núi, lội qua con suối, đi trên con đường mòn mà những người dân tộc bản địa vẫn sử dụng hàng ngày. Nơi đây cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ trong bầu không khí trong lành với núi rừng trùng điệp và tiếng suối róc rách reo vui. Giữa màu xanh tĩnh lặng của rừng già, những thửa ruộng bậc thang lúa đã chín vàng như tô thêm nét màu tươi mới cho rừng núi.
Tại Hoàng Su Phì, những con đường uốn lượn, ngoằn ngoèo với những khúc cua nối tiếp nhau, trông từ xa như một dải mây vắt lưng chừng núi. Địa hình ở đây tương đối hiểm trở, không cần phải đứng trên những ngọn đồi hay vách núi cũng có thể tận hưởng đựoc cảm giác chạm tới tận mây, không gian như mờ mờ ảo ảo được bao phủ bởi những đám mây lượn lờ. Huyện vùng cao này bị chia cắt mạnh bởi nhiều núi đá cao và khe, suối... tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, tráng lệ. Từ trên cao, khung cảnh chốn này như một bức tranh thủy mặc hài hoà giữa sơn thuỷ hữu tình, với sông suối róc rách hiền hoà ôm lây những cánh rừng già.
Nếu như Mù Cang Chải được biết đến với những ruộng bậc thang trải rộng tầm mắt, mặt bằng tương đối rộng và thoải, được ví von như mảnh vải lụa chảy dài nhễ nhại từ trên đỉnh núi đến thung lũng mềm mại ôm lấy sườn non, thì Hoàng Su Phì lại nổi tiếng với những ruộng bậc thang lên tới tận trời. Ở chốn này, triền ruộng không nằm san sát, tầng tầng lớp lớp mà được cắt xẻ bởi địa hình quanh co uốn lượn và cũng vì mật độ dân cư ở đây thưa thớt, không tập trung.
Cùng với Phương tắm mình trong ánh bình minh Hoàng Su Phì, cả hai chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hút hồn của ruộng bậc thang nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực trong màu lúa chín, thỉnh thoảng lại đựơc điểm xuyến bởi một vài khóm lúa còn xanh rực rỡ sắc màu đầy sức sống. Ruộng bậc thang được gọt đẽo đan xen giữa những cánh rừng già dưới ánh nắng sớm vàng mượt như tơ làm cho tâm hôn bất cứ ai không khỏi choáng ngợp.
Ơ mà ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì chỉ đẹp và lúc nào cũng đẹp dưới ánh mặt trời Hoàng Su Phì. Chiều xuống, khi những đám mây đã chùng trên đầu, bao phủ cả dáng người đi cũng là lúc nhưng những vệt nắng còn sót lại ở chốn lưng đèo soi xuống những vằn vện nhiều sắc màu. Vệt nắng gãy khúc khi kịp rọi xuống con suối nhỏ rồi hắt lên tạo nên sự tuơng phản như môt bức tranh nghệ thuật đầy màu sắc. Hoàng Su Phì hiện lên vẻ đẹp hồn nhiên và diễm lệ như một thiên đường ẩn hiện trong mây.
Những ngôi nhà tô điểm cho sự bình yên thư thái thấp thoáng trong ánh nắng chiều. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những khóm hoa đồng nội hội tụ sắc màu liền kề với thảm lúa rực rỡ, lại tiếp giáp với mấy vành đai nước chảy loang xuống chân ngọn đồi đẹp như tranh. Hoàng Su Phì có cái đẹp vừa duyên dáng của những dải ruộng bậc thang mềm mại ôm ấp quanh những sườn núi, vừa có cái đẹp hùng vĩ của thác khe và những rừng cây điệp trùng, khung cảnh ấy đã làm mê đắm bao nhiêu tao nhân mặc khách.
Đi đi sâu tìm hiểu về ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, càng hiểu sâu sắc hơn về một nền văn minh lúa nước vùng Tây Bắc khởi phát cách nay khoảng 2.000 năm. Trên những mảnh đất khô cằn, vách núi cheo leo đó những đôi bàn tay đang ngày đêm khai phá. Vào mùa giữa vụ mùa, nếu ở vùng thấp đồng ruộng trông như dải lụa vàng trải rộng thì trên vùng cao Hoàng Su Phì cũng ngút tầm mắt những đồi vàng ruộng bậc thang lên tới chân trời.
Nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp như những nấc thang bắc lên trời, tựa những “mâm xôi vàng” mùa lúa chín, hay “mâm xôi xanh” khi lúa đang thì con gái chắc hẳn du khách không khỏi nao lòng trước vẻ đẹp kỳ vĩ do chính bàn tay lao động của người dân nơi đây tạo nên. Đây được coi là một trong những “kiệt tác, kì quan của đôi bàn tay” mang tính đặc trưng vùng cao chốn Tây Bắc. Mặc dù thiên nhiên khắc nghiệt khiến con người trở nên trầm lặng, tâm trạng chất chứa hơn nhưng lúc này đây chúng tôi lại cảm nhận như thời gian bỗng trôi đi bằng tiết tấu chậm chạp và bình yên hơn trong nụ cười rực rỡ những cô gái, chàng trai miền sơn cước ấy.
Vụ mùa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây bắt đầu từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Hàng năm, người Mông và cả người Dao, Nùng cũng tiến hành canh tác giống nhau, họ chỉ cấy một vụ lúa, bắt đầu từ tháng 6. Khi thu về, lúa nương chín vàng khoác lên Hoàng Su Phì một chiếc hoàng bào lộng lẫy cũng là lúc những bông lúa trĩu nặng báo hiệu một mùa thu hoạch bội thu của đồng dào dân tộc ở Hoàng Su Phì. Trung bình mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 2 đến 3 tấn thóc/1 năm.
Nằm dưới chân đỉnh núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, vùng đất Hoàng Su Phì núi cao, địa hình chia cắt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên việc khai khẩn và canh tác ruộng bậc thang gặp không ít khó khăn. Để khai khẩn và canh tác lúa ruộng đạt kết quả, từ nhiều đời nay, người dân địa phương đã thực hiện các nghi thức và tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Người dân ở vùng đất này là chủ thể sáng tạo và gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa độc đáo ruộng bậc thang. Với địa hình núi cao nằm cheo leo giữa các vách núi, để canh tác ruộng bậc thang, người ta phải chờ mưa xuống đầy suối để qua mương máng dẫn nước vào ruộng thì mới có thể cày cấy được. Chỉ với khoảnh đất có bề ngang rộng chừng 2-3m, người nông dân Hoàng Su Phì đã bỏ biết bao công sức san lấp, tạo mặt bằng, be bờ giữ nước trồng lúa. Thành quả của quá trình lao động vất vả đó là những triền ruộng bậc thang cao vút hòa cùng mây núi bốn mùa, tạo nên cảnh hùng vĩ và thơ mộng làm nao lòng bất cứ ai kịp một lần chiêm ngưỡng.
Kiệt tác từ bàn tay lao động của người dân nơi đây không chỉ mang lại cho họ cuộc sống ấm no mà còn là tiềm năng du lịch cực kì phong phú nhằm thỏa mãn tầm mắt của bao nhiêu du khách. Hàng năm, vào những vụ mùa lúa nặng hạt thì “dân du lịch bụi” như chúng tôi lại hẹn nhau hội ngộ nơi đây. Để có những trải nghiệm thú vị nhất thì thường họ dung phương tiện cơ động nhất, những chiếc xe máy rè rè leo lên dốc núi, những nhiếp ảnh gia nghiệp dư kịp tự thưởng cho mình những bức ảnh độc đáo nhất.
Bạn có thể đi bộ băng qua những con đường núi, ngắm nhìn những tán cây giấu mình trong mây sớm, ghé thăm chiếc cối giã gạo đươc chế tạo bằng cách tận dụng sức nặng của nước, hoặc rửa mặt bằng dòng nước mát rượi chảy ra từ suối khe.
Nếu lên đúng ngày chủ nhật, bạn có thể dự chợ phiên Hoàng Su Phì - một phiên chợ huyện dài đến hàng cây số. Người mua người bán tấp nập tạo nên một bức tranh đầy sắc màu đặc trưng của vùng cao. Kìa những váy áo người Mông sặc sỡ như cánh bướm, này những áo xanh đặc trưng của người Nùng. Hay kịp chọn cho mình những quả táo mèo căng mình, trắng nõn nà như là món quà tuyệt vời của vùng sơn cước gửi tặng vùng xuôi.
Người dân vùng này rất dễ thương và mến khách, tấm lòng chân chất của con người thôn bản làm cho chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Từ những em bé, thanh niên cho đến cụ già đều sẵn sàng tặng bạn những nụ cười và lời hỏi thăm như thể người thân thiết. Vẫn còn đó những em bé chưa một lần được đến lớp, chưa biết đến tiếng Kinh nhưng trong ánh mắt ấy chúng tôi bắt gặp sự ấm nồng của sự thân thiện.
Dưới sự “tấn công” của du lịch cuộc sống nhân dân vùng cao có nhiều đổi thay từng ngày nhưng Hoàng Su Phì vẫn còn rất sơ nguyên, chưa bị "du lịch hóa" như những Sa Pa, Bắc Hà. Rời Hoàng Su Phì với bao nhiêu lưu luyến về vùng đất thiên nhiên con người chan hoà, tôi và Phương hẹn sẽ gặp lại Hoàng Su Phì và những mùa lúa đơm bông, những ngày ruộng bậc thang rực rỡ nắng lên cổng trời.
Lê Công Vũ
21:01, 27/03/2019
21:55, 25/03/2019
11:00, 16/03/2019