15/09/2024 | 11:18 GMT+7, Hà Nội

Chính sách mới về thuế, phí đối với ô tô có hiệu lực từ tháng 12/2021

Cập nhật lúc: 30/11/2021, 06:30

Tháng 12/2021, nhiều chính sách mới liên quan đến thuế, phí, lệ phí đối với ô tô sẽ có hiệu lực. Nổi bật như: Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu.

Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/12/2021 đến hết 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 ngày 21/2/2019 (Nghị định 20) của Chính phủ.

Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20.

Với các thành phố lớn mức phí trước bạ đối với ô tô con là 12%, các địa phương khác là 10%. Nếu theo quy định mới, ô tô con lắp ráp trong nước sẽ được giảm còn 6% ở các thành phố lớn và 5% ở các địa phương khác.

Quy định thuế, phí mới đối với ô tô từ tháng 12/2021
Quy định thuế, phí mới đối với ô tô từ tháng 12/2021

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng

Theo Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được bảo hiểm tiền gửi, số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Trước đó, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, hạn mức trả tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng. Như vậy, so với mức 75 triệu đồng kéo dài từ năm 2017, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã tăng thêm 50 triệu đồng.

Đồng thời, theo quyết định mới, đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành, hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017.

Quyết định 32 có hiệu lực từ ngày 12/12/2021, thay thế Quyết định số 21 ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô

Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2021.

Đáng chú ý, nghị định này cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu được phép lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng.

Theo đó, kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm. Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 06 tháng đầu năm và 06 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 06 tháng cuối năm. Doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP .

Còn kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Nghị định 57/2020/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định về kỳ xét ưu đãi thuế 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 hoặc từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 hàng năm.

Nguồn: https://baodansinh.vn/chinh-sach-moi-ve-thue-phi-doi-voi-o-to-co-hieu-luc-tu-thang-12-2021-20211129063540.htm