18/01/2025 | 15:59 GMT+7, Hà Nội

Chính quyền địa phương, các khu công nghiệp: Giữ an toàn cho công nhân

Cập nhật lúc: 18/04/2020, 18:21

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giữ an toàn, sức khỏe cho công nhân, duy trì nhịp sản xuất là công việc được chính quyền địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giữ an toàn, sức khỏe cho công nhân, duy trì nhịp sản xuất là công việc được chính quyền địa phương, các ban quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã và đang nỗ lực thực hiện.

Công nhân được đo thân nhiệt trước khi vào làm việc tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hằng

Từ an toàn tại nơi ở, sinh hoạt…

Thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh), nơi có nhiều nhà trọ dành cho công nhân tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh những ngày trung tuần tháng 4 rất vắng vẻ. Các hàng quán đóng cửa, công nhân cũng không tụ tập, trò chuyện sau giờ làm. Chị Nguyễn Thị Ngân, quê ở Ninh Bình thuê trọ ở đây cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, hai vợ chồng em hiện có con gần 2 tuổi nên càng phải cẩn thận. Hằng ngày, từ chỗ làm về nơi ở, ngoài đi chợ mua nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt thì hai vợ chồng đều ở nhà để thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội”...

Ông Lê Văn Quyết, ở Đội 6, thôn Bầu có 15 phòng cho thuê thông tin thêm: “Không chỉ riêng tôi, mà nhiều hộ gia đình có nhà cho thuê ở đây đều phải chấp hành nghiêm quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tôi đã mua nước rửa tay sát khuẩn, cấp phát khẩu trang vải cho những người thuê nhà và thường xuyên nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh”.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, nhất là bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động trên địa bàn, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 30 nghìn nhân khẩu, trong đó thường trú là hơn 13 nghìn, tạm trú hơn 16.700 (chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp). Bên cạnh lượng lao động thuê trọ ở ngoài, còn có hơn 3.000 người đang ở tại 24 tòa nhà dành cho công nhân. Đối với công nhân ở trong các chung cư, ký túc xá, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được đẩy mạnh qua việc phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp phòng chống, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp tổ chức tập huấn, cung cấp số điện thoại liên hệ nếu như công nhân có dấu hiệu bất thường cần trợ giúp cũng như phương pháp cách ly đối với những trường hợp nghi nhiễm…

Còn tại Khu công nghiệp Quang Minh (xã Quang Minh, huyện Mê Linh), Thiếu tá Chu Thế Biên, Đồn công nghiệp Quang Minh thuộc Công an huyện Mê Linh cho biết, tại Đồn có 9 cán bộ chiến sĩ, triển khai công tác phòng dịch Covid-19, mỗi cán bộ được phân công phụ trách từng khu vực và đơn vị doanh nghiệp cụ thể. Thời gian này, khi trên địa bàn huyện xuất hiện ổ dịch tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) thì công tác tuyên truyền, kiểm tra càng được đẩy mạnh...

Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam đã lắp vách ngăn tại nơi làm việc nhằm ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh cho người lao động.

... đến an toàn tại nơi làm việc

Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, hiện trong các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố có khoảng 160.000 lao động đang làm việc. Nếu dịch bệnh lây lan vào khu vực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm của người lao động. Thời gian qua, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động trong việc phòng, chống dịch; triển khai các biện pháp để bảo đảm sức khỏe, đời sống, việc làm cho người lao động và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện…

Điển hình là tại Công ty TNHH Chế tạo cột thép Đông Anh, công ty đã tặng nước rửa tay sát khuẩn cho công nhân lao động, hằng ngày yêu cầu công nhân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt 100% công nhân khi vào ca. Ngoài ra, công ty chia giờ làm việc theo từng dây chuyền để giãn số lượng công nhân, bảo đảm khoảng cách an toàn 2m. Anh Vũ Quang Thuận, nhân viên công ty, chia sẻ, khi dịch mới xuất hiện ở Việt Nam, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, dán các thông báo về triệu chứng bệnh, các biện pháp phòng, tránh dịch tại các phân xưởng. Việc này đã giúp công nhân có kiến thức phòng tránh và yên tâm hơn mỗi khi đến làm việc.

Còn tại Công ty TNHH Điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh), ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, công ty có 1.200 người lao động. Thực hiện cách ly xã hội, công ty đã cho 900 người tạm nghỉ việc. Với số lao động còn lại, hằng ngày công ty đều đo thân nhiệt cho 300 người lao động cũng như khách hàng đến giao dịch; bố trí nước rửa tay ở các cửa ra vào và trong nhà xưởng; quy định 100% người lao động phải đeo khẩu trang; chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể…

Trong khi đó, Công ty TNHH Xây dựng ZYF Việt Nam trên địa bàn quận Nam Từ Liêm được Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm đánh giá đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chung tay ủng hộ lực lượng tuyến đầu. Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Xây dựng ZYF Việt Nam cho biết, công ty cũng đã triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là đặt các biểu ngữ ở những nơi dễ nhận biết để truyền tải thông tin giúp người lao động nhận thức rõ về dịch bệnh, về những điều cần phải làm và những điều không được làm trong phòng, chống dịch…

Những nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn Thủ đô - từ tuyên truyền nâng cao nhận thức đến triển khai các giải pháp thiết thực bảo đảm an toàn cho công nhân tại cả nơi ở và nơi làm việc, là rất đáng ghi nhận. Điều này không những góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh mà còn là nhân tố quan trọng để duy trì sản xuất cũng như sẵn sàng khôi phục hoạt động khi dịch Covid-19 qua đi.