19/01/2025 | 07:26 GMT+7, Hà Nội

Chiến thắng dịch Covid-19 bằng sự lan tỏa tình yêu thương

Cập nhật lúc: 19/04/2020, 16:16

Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của người Việt từ bao đời và mỗi khi khó khăn, tình người lại sáng lên. Những ngày qua, từ người già neo đơn cho đến trẻ lang thang, cơ nhỡ, bác lái xe ôm, chị bán vé số…

Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp của người Việt từ bao đời và mỗi khi khó khăn, tình người lại sáng lên. Những ngày qua, từ người già neo đơn cho đến trẻ lang thang, cơ nhỡ, bác lái xe ôm, chị bán vé số… bị mất việc vì dịch Covid-19 luôn được yêu thương, hỗ trợ của cả cộng đồng.

Trong phiên họp thường trực của Chính phủ, Thủ tướng đã khẳng định, trong tình thế cấp bách hiện nay, trước mắt phải lo thu nhập ở mức cơ bản tối thiểu cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm… Chính phủ sẽ sớm thông qua nghị quyết dành 61.500 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mặt cho hàng triệu người lao động, gia đình chính sách bị giảm sâu thu nhập do dịch bệnh. Đây được coi là thông điệp về một xã hội đoàn kết, chăm lo, yêu thương nhau, quyết tâm đồng lòng, vừa ngăn chặn đại dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Không để đói cơm, lạt muối, phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Đây là mục tiêu lớn nhất của gói an sinh xã hội 61.500 tỷ đồng - một gói hỗ trợ chưa có tiền lệ.

Người có công với cách mạng, ngoài khoản trợ cấp hằng tháng sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng; Đối tượng hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng; Lao động không có cam kết hợp đồng lao động, mất việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mức 1 triệu đồng/người/tháng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ: “Tôi cho rằng đây là gói cứu trợ của Chính phủ thực hiện rất kịp thời và thể hiện rõ vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta.

Việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong 4 ưu tiên hiện nay của Chính phủ, làm ấm lòng hàng triệu người dân. Hơn 61.500 tỷ đồng là khoản tiền rất lớn khi đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ.

Ông Trần Trọng Phúc, nhà thiết kế máy trợ thở Metran

Những ngày này, nhiều nhà khoa học Việt kiều luôn hướng về quê hương với dự án sản xuất máy trợ thở cho người dân Việt Nam. Sinh sống và lập nghiệp ở Nhật Bản gần nửa thế kỷ nhưng hình bóng quê hương luôn trong tâm trí ông Trần Trọng Phúc, Chủ tịch Công ty Metran Co.Ltd Nhật Bản.

Khi đất nước gặp khó, ông Phúc mang ý nguyện cung cấp 2.000 máy trợ thở với giá rẻ, gần như là tặng Việt Nam đối phó với cuộc chiến chống Covid-19. Chiếc máy là phát minh cả đời ông tâm huyết, có thể sử dụng ở các bệnh viện dã chiến, vùng sâu, vùng xa.

Ông Trần Trọng Phúc cho biết: “Mục tiêu của tôi là làm sao có được 2.000 máy càng sớm càng tốt. Có nghĩa là trong vòng một tháng đến một tháng rưỡi, tôi phải hoàn thành được việc này. Tôi phấn đấu trong thời gian tiếp theo sẽ chuyển giao cho Việt Nam từ 10.000 - 15.000 máy với giá bán thấp nhấp để sớm đưa vào các cơ sở y tế phục vụ công tác điều trị dịch bệnh Covid-19”.

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp liên tục đóng góp bằng tiền, hiện vật thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chỉ bằng một tin nhắn, mỗi người đã có thể chung sức chống dịch, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn không bị thiếu thốn trong những ngày này. Thống kê sơ bộ đến ngày 10/4, số tiền ủng hộ bằng tin nhắn qua Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia đạt 133 tỷ đồng.

Lượng hàng hóa trực tiếp tại Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lên tới hơn 770 tỷ đồng. Mọi đóng góp được chuyển tới Bộ Y tế để mua trang thiết bị,  phục vụ điều trị và phân bổ tới các khu cách ly trên cả nước.

Anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, Giám đốc Công ty PHGLock) cùng cộng sự sáng tạo mô hình “ATM gạo” 24/24 giờ giúp người nghèo ở Sài Gòn no bụng, ấm lòng mùa dịch Covid-19 vào ngày 7/4. Mô hình này đã được đông đảo người dân hưởng ứng và ghi nhận.

Sau đó ít ngày, máy phát gạo tự động đã lần lượt được đặt ở nhiều nơi tại Hà Nội (nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy và nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm...). Với "ATM gạo" này, người dân chỉ cần nhấn chân vào nút bấm sẽ nhận được 3kg gạo trong thời gian chưa đầy 3 phút. Số gạo người nghèo nhận được giúp họ bớt đi nỗi lo về từng bữa ăn hằng ngày giữa mùa dịch Covid-19 đầy khó khăn.

Những mô hình tiếp tế cho người nghèo như “Ai cần cứ đến lấy”, “Chia sẻ thực phẩm hàng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19”… đã tạo nên sự ấm áp về tình người được chia sẻ trong những ngày qua. Mỗi ngày trên khắp cả nước, những cụ ông, cụ bà tuổi 80, 90, thậm chí trên 100 tuổi cũng chắt chiu từng đồng tiết kiệm, đạp xe hàng chục cây số để ủng hộ công tác chống dịch. Đặc biệt trong số những người già, có cả bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Suốt mấy tháng nay, ở nơi tuyến đầu chống dịch là những hình ảnh cảm động của hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng. Các bệnh viện dã chiến được dựng ngay trong đêm nhờ lực lượng quân đội. Những chiếc xe quân sự hằng ngày chở người chạy thận vào Bệnh viện Bạch Mai. Những đêm trắng của các chiến sĩ biên phòng, công an canh gác, cắm chốt vì sự an toàn của người dân trước kẻ thù vô hình. Trong hoạn nạn, ta lại càng cảm nhận được rõ hơn tình quân dân.

Những hy sinh ấy đã được nhận lại điều vô giá, đó chính là lòng tin yêu của người dân. Những bó rau, buồng chuối, quả mít, con gà… do bà con bản làng chắt chiu gom góp tặng chiến sĩ biên phòng.

Việt Nam viện trợ thiết bị y tế tới Đức

Việt Nam không đơn độc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Hàn Quốc ủng hộ 500.000 USD hỗ trợ cộng đồng người Việt tiếp cận đầy đủ các điều kiện cần thiết. Nhật Bản hỗ trợ ít nhất 200 triệu Yên giúp Việt Nam qua các tổ chức quốc tế. Dù phải căng mình đối mặt nhiều thiếu thốn nhưng Việt Nam đã tặng hai nước bạn Lào, Campuchia nhiều trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ, xét nghiệm trị giá hơn 7 tỷ đồng mỗi nước; tặng hơn nửa triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn tự sản xuất cho các nước Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha. Mới đây, Việt Nam tài trợ 5.000 tấn gạo cho nhân dân Cuba.

Tình đoàn kết, yêu thương, sự sẻ chia trong cộng đồng đã tiếp thêm sức mạnh để cả nước chung tay trong cuộc chiến chống dịch. Sức mạnh ấy được nhân lên, lan tỏa bởi nhiều nghĩa cử đẹp, tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước.