19/01/2025 | 15:29 GMT+7, Hà Nội

Chất lượng không khí Hà Nội đã được cải thiện đáng kể

Cập nhật lúc: 28/02/2021, 15:30

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), phần lớn các khu vực ở Thủ đô có chỉ số chất lượng không khí (AQI) tốt, tiếp tục được cải thiện trong 2 ngày cuối tuần.

Cụ thể, theo ghi nhận AQI (24 giờ gần nhất) tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn được cập nhật, chỉ số AQI không cao, dao động từ 59 - 87. Nơi đo được AQI cao nhất là khu vực Phạm Văn Đồng (87), Thành Công (84), Hàng Đậu – 80

Theo chuyên gia nhận định, những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện tham gia giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí.

Tuy nhiên, trên bản đồ quan trắc chất lượng không khí cũng báo có 22 điểm màu vàng (chất lượng không khí ở mức trung bình). Hai điểm quan trắc tại Ban quản lý Khu công nghiệp Trà Đa và Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, Gia Lai) hiển thị màu đỏ (chất lượng không khí xấu). Duy nhất tại Trạm Quan trắc môi trường không khí tự động ở phường Sông Hiến (tỉnh Cao Bằng) có màu cam (chất lượng không khí kém).

Chất lượng không khí Hà Nội đã được cải thiện đáng kể
Chất lượng không khí Hà Nội đã được cải thiện đáng kể

Theo Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, nhiều tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức trung bình, chấp nhận được. Tại khu vực Nam Bộ phần lớn các điểm được quan trắc có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt (màu xanh), không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Năm 2021, để kiểm soát, cải thiện chất lượng không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề xuất Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2021. Bộ tập trung rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí...; triển khai có hiệu quả Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là các quy định liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Sớm hành động để bảo vệ không khí

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Gia tăng các phương tiện ôtô, xe máy, tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.

TS Tùng cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế, khói bụi từ các công trình xây dựng.

Theo ông Tùng, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi sẽ va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong (như Hà Nội đang làm) buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường… trên địa bàn theo quy định...

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chat-luong-khong-khi-ha-noi-da-duoc-cai-thien-dang-ke-53296.html