Chăn nuôi an toàn là xu hướng hiện đại
Cập nhật lúc: 09/05/2022, 06:33
Cập nhật lúc: 09/05/2022, 06:33
Theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trong các tháng đầu năm 2022, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, hiện toàn TP Hà Nội có hơn 7.500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, hơn 1.600 trang trại vừa, hơn 5.800 trang trại nhỏ. Về số lượng và chất lượng, đàn trâu 27,5 nghìn con, tăng 5,4% so với cùng kỳ; đàn bò 130,5 nghìn con, tăng 0,1%; đàn lợn 1,37 triệu con, tăng 0,9%; đàn gia cầm là 39,9 triệu con, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính hơn 1.870 tấn, tăng 6,2%; bò hơi hơn 10.600 tấn, tăng 0,4%; lợn hơi 228,3 nghìn tấn, tăng 11,1%; gia cầm hơi 164,6 nghìn tấn, tăng 5,9%; sản lượng trứng gia cầm 2.564 triệu quả, tăng 7,4%; sản lượng sữa bò tươi đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nên kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Tuy nhiên, năm 2022, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn gặp nhiều thách thức như giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục biến động, tăng 20%-40% tùy loại nguyên liệu, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng cao. Giá xăng dầu trên toàn cầu tăng mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng chi phí đầu vào biến động khó lường. Ngoài ra, chăn nuôi thâm canh mật độ cao sẽ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…
Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số; đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu ngành Chăn nuôi Hà Nội không đổi mới, tăng khả năng thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển thì mất cơ hội cạnh tranh, rất khó khôi phục, hội nhập.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết , mặc dù đứng trước nhiều thách thức, song năm 2022, ngành chăn nuôi Hà Nội cũng có thể tìm được cơ hội nếu biết nắm bắt đúng thời cơ, đó là xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là xu hướng của chăn nuôi hiện đại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ, thực hành chăn nuôi tốt; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ làm việc với các huyện chuẩn bị trở thành quận (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì) để rà soát hạn chế chăn nuôi; khảo sát công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ chuồng trại, đánh giá phù hợp quy mô chăn nuôi trang trại, khoảng cách chăn nuôi; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: “Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, biến khủng hoảng thành cơ hội, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi, tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiếp tục nâng cao chất lượng giống”.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chan-nuoi-an-toan-la-xu-huong-hien-dai-288622.html
13:30, 22/05/2021
16:42, 12/04/2021
13:05, 28/09/2019