18/01/2025 | 17:16 GMT+7, Hà Nội

Capital House: Dấu ấn xanh trên bản đồ thế giới

Cập nhật lúc: 18/07/2018, 14:07

Tháng 6 vừa qua, cái tên Capital House được xướng lên ở một sân khấu đặc biệt trên xứ sở sương mù, đó là Lễ trao Giải thưởng Transformational Business Awards 2018.

Giải thưởng tôn vinh Capital House ở hạng mục Công trình xanh vì những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi tích cực và phát triển bền vững cho môi trường, đồng thời kiến tạo cuộc sống xanh cho cộng đồng.

Sau hơn một thập kỷ lặng lẽ và kiên định với hành trình xanh, Capital House đã ghi danh Việt Nam vào bản đồ công trình xanh thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Đức Đạt – Tổng giám đốc Capital House xung quanh câu chuyện về hành trình phát triển xanh của doanh nghiệp này.

Ông Đỗ Đức Đạt – Tổng Giám đốc Capital House

Ông Đỗ Đức Đạt – Tổng Giám đốc Capital House

PV: Capital House vừa được tôn vinh ở giải thưởng Transformational Business Awards trong một hạng mục rất đặc biệt là Công trình xanh. Điều này có ý nghĩa thế nào với Capital House, thưa ông?

Transformational Business Awards là giải thưởng thường niên do Tạp chí danh tiếng thế giới Financial Times và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức bình chọn. Vượt qua hàng trăm dự án, Capital House đã được tôn vinh ở hạng mục Công trình xanh, và vinh dự hơn nữa khi Capital House là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt giải thưởng danh giá này.

Điều đó có ý nghĩa rất lớn, khích lệ chúng tôi trên chặng đường phát triển các công trình xanh nói riêng và chương trình Công trình xanh mà chúng tôi đang đồng hành cùng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói chung, đồng thời cũng chứng minh những nỗ lực của chúng tôi đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

PV: Thời gian qua, chúng ta tích cực tuyên truyền thông điệp "công trình xanh" nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, người tiêu dùng vẫn còn hiểu biết rất hạn hẹp về công trình xanh. Đa số vẫn chỉ nghĩ công trình xanh là những dự án có nhiều cây xanh, vườn hoa… Trong khi một dự án chuẩn công trình xanh lại phải đạt được những tiêu chuẩn rất khắt khe trong xây dựng, thiết kế, tiết kiệm năng lượng... Và để người dùng hiểu được điều này, cần thời gian trải nghiệm tính bằng năm, trong khi với một doanh nghiệp bất động sản, điều quan trọng hàng đầu là thu hút khách hàng nhanh nhất ngay từ khi mở bán. Tại sao Capital House lại chọn cho mình con đường khó đi như vậy, thưa ông?

Thế giới đang phải chứng kiến những hệ quả của biến đổi khí hậu và Việt Nam cũng là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng lớn từ điều này. Môi trường bị ô nhiễm, nguồn tài nguyên dần bị khai thác cạn kiệt, sức khỏe người dân bị đe dọa…

Điều này tác động không riêng một ai mà tất cả chúng ta, khi cùng sống chung một bầu khí quyển. Để chống biến đổi khí hậu, công trình xanh trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Những quốc gia gần Việt Nam như Singapore, Malaysia đã tích cực phát triển công trình xanh từ rất lâu rồi và đạt được nhiều thành tựu.

Như Singapore chẳng hạn, tầm nhìn chiến lược của họ là đến năm 2030 phải có 80% công trình đạt tiêu chuẩn Green Mark (cả công trình cũ và xây mới), trong khi hiện tại họ mới đang ở mức 45%. Còn các công trình mới của Singapore đều phải đạt Chứng chỉ Green Mark ở mức Platinium – mức cao nhất của bộ công cụ này.

Capital House đã nhìn ra được xu hướng này. Hơn một thập kỷ qua, ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã định hình đi theo triết lý tiên phong “Kiến tạo cuộc sống xanh”. Đó là cảm hứng chủ đạo, là châm ngôn kinh doanh, là con đường mà chúng tôi theo đuổi.

Có thể với nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam trong ngắn hạn chưa hiểu hết những ý nghĩa của một công trình xanh mang lại. Là người tiên phong, chúng tôi mất thời gian hơn trong việc truyền tải thông điệp và kiến thức đến người tiêu dùng, chúng tôi mất công sức hơn trong công tác từ tư vấn thiết kế đến lựa chọn vật liệu xây dựng và đâu đó giá thành cũng sẽ cao hơn so với công trình bình thường. Nhưng chúng tôi nhìn thấy ở đó sự bền vững và lâu dài.

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng những dự án chuẩn công trình xanh, xây dựng thương hiệu Capital House gắn liền với triết lý xanh. Vì thế, tôi tin rằng, cùng với thời gian và những hiệu ứng tích cực mà công trình xanh mang lại, người tiêu dùng sẽ dần hiểu và đón nhận những gì mà chúng tôi đang bền bỉ xây dựng.

Dự án EcoLife Capitol đạt 04 chứng chỉ xanh bao gồm 02 chứng nhận EDGE và 02 chứng nhận Lotus

Dự án EcoLife Capitol đạt 04 chứng chỉ xanh bao gồm 02 chứng nhận EDGE và 02 chứng nhận Lotus

PV: Không ít doanh nghiệp mượn mác “xanh” để làm sang sản phẩm của mình, còn Capital House lại lặng lẽ xanh hoá những khu chung cư ở phân khúc đại chúng như câu chuyện của Ecohome, vì sao vậy thưa ông?

Tại sao công trình xanh cứ nhất thiết phải là công trình cao cấp? Nhà ở xã hội của Singapore đã tiếp cận với công trình xanh. Và tôi nghĩ, mỗi người dân đều xứng đáng được thụ hưởng điều này, giống như thụ hưởng môi trường trong lành vốn có mà do biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa… đã hủy hoại.

Với những người thu nhập thấp, họ càng cần được sống trong những căn hộ xanh và các công trình xanh để giúp họ giảm chi phí điện, nước… Việc tiết kiệm một số tiền nhất định trong tháng ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của họ. Đồng thời, đây mới là đối tượng khách hàng chiếm số đông và tiêu thụ tài nguyên (điện, nước…) nhiều nhất.

Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi hoàn toàn có thể làm công trình xanh cho nhà ở giá mềm. Capital House cũng định hướng sản phẩm phân khúc chính của chúng tôi là phân khúc nhà ở đại chúng. Giá thành mềm nhưng xanh, để làm được điều này, chúng tôi sẽ chỉ mất nhiều hơn về công sức để nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn những vật liệu hợp lý, nhưng cố gắng nhất để giá thành không đội lên nhiều.

Trong lời nói đầu của cuốn sách Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Matthieu Ricard đã viết rằng: “Sống cuộc đời của mình như thế nào? Sống trong xã hội ra sao? Mình có thể biết được gì? Chắc chắn đó là ba câu hỏi phản ánh những bận tâm chính của chúng ta.

Lý tưởng nhất là lẽ sống của ta phải đưa chúng ta đến một cảm giác viên mãn, từng phút khơi nguồn sáng tạo và không làm chúng ta hối hận lúc lâm chung; cuộc sống trong xã hội cùng với những người khác phải tạo ra tinh thần trách nhiệm toàn nhân loại”. Và tôi nghĩ rằng, một doanh nghiệp muốn lớn mạnh và bền vững thì không chỉ bằng tiềm lực kinh tế mà còn cần thể hiện được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với cộng đồng trong chính mỗi dự án của mình.

PV: Trong thời gian tới Capital House có chiến lược phát triển thế nào, thưa ông?

Chiến lược trong thời gian tới thì chúng tôi vẫn tập trung kiên trì vào những phân khúc trung bình và thấp với những sản phẩm EcoHome và hướng tới những khu nhà ở với những tiêu chí tiêu thụ năng lượng thấp và kiên trì con đường đã chọn là tiên phong phát triển công trình xanh, phát triển môi trường sống xanh.

Xin cảm ơn ông!