21/11/2024 | 16:04 GMT+7, Hà Nội

Cấp bù lãi suất: Điều kiện tiếp cận cần hợp lý, sát với thực tế

Cập nhật lúc: 26/02/2022, 18:45

NHNN đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định về gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinhhttp://cdn.tieudungplus.vn/mediav2/upload/userfiles/images/lai-sat.jpg d

Các ý kiến cho rằng, dự thảo cần minh bạch, rõ ràng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng được nhanh chóng.

Không hạ chuẩn tín dụng, phải chứng minh khả năng trả nợ

Theo dự thảo, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, phục hồi. Mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin. Hoặc có mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.

Mức lãi suất hỗ trợ 2% cho khách hàng đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng 2 năm 2022-2023. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023, hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng.

Để được hỗ trợ lãi suất, khách hàng phải có đơn đề nghị và được ngân hàng cho vay chấp thuận tại thời điểm giải ngân hoặc thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay. Định kỳ trả lãi, khách hàng vay sẽ được ngân hàng giảm trừ trực tiếp số tiền lãi vay phải trả bằng với số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, dự thảo quy định “khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

Ý kiến của các DN và ngân hàng cho hay đang rất nóng lòng chờ nghị định hướng dẫn cho vay. Khi các hoạt động kinh tế bắt đầu quay trở lại trạng thái bình thường, nhu cầu vốn với DN vì vậy cũng ngày càng trở nên cấp thiết.

Bà Đặng Thị Ngân - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Thắng Lợi (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, là hợp tác xã nhỏ nhưng mỗi tháng, DN tiêu thụ lớn nhất lên đến 50 tấn chè vào dịp lễ tết, còn trung bình khoảng 10-20 tấn chè/tháng. Tuy vậy, hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi, do vướng về tài sản đảm bảo.

Cấp bù lãi suất: Điều kiện tiếp cận cần hợp lý, sát với thực tế
Cấp bù lãi suất: Điều kiện tiếp cận cần hợp lý, sát với thực tế

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel bày tỏ, suốt 2 năm qua bị dịch Covid-19 ''bào mòn sức khỏe'' nên rất nhiều lần đã đến gõ cửa ngân hàng để vay vốn. Thế nhưng đến đâu, câu hỏi đầu tiên nhận được từ phía nhà băng là “có tài sản bảo đảm không? Doanh thu trong 3 năm gần đây ra sao?...”.

Đây cũng là vấn đề mà rất nhiều DN lo lắng vì trong suốt 2 năm qua do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên nhiều đơn vị không có doanh thu, thậm chí “chết lâm sàng”. Tuy nhiên với việc dự thảo quy định về khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi sẽ rất khó cho DN tiếp cận vốn.

Trước đó, đề cập đến vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cũng bày tỏ, gói hỗ trợ lãi suất quy mô khá lớn song nếu không gỡ về chính sách thì DN rất khó để tiếp cận. “Nếu không hạ chuẩn cho vay thì DN làm sao vay được? Còn với ngân hàng, nếu như bây giờ cho vay, vài năm sau nợ xấu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Xử lý trích lập dự phòng rủi ro sẽ ảnh hưởng như thế nào đến an toàn, đến hệ số tín nhiệm?... Đó là các vấn đề mà ngân hàng tâm tư nhất”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Các ngân hàng thương mại cũng cho rằng, cần nhất là chính sách, hành lang pháp lý để triển khai khơi thông dòng vốn. Bởi lẽ, hàng loạt DN đã rơi vào nợ xấu và đang được ngân hàng cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020 của NHNN. Trong khi, do ảnh hưởng dịch bệnh, số DN đang bị nợ xấu không ít. Nếu không có cơ chế đặc biệt, các DN bị nợ xấu sẽ không có cơ hội tiếp cận các gói kích cầu. 

DN cần cách tiếp cận vốn đơn giản, minh bạch

Với tình trạng sức khỏe DN hiện rất khó khăn, Chính phủ nên cân nhắc thêm giải pháp bảo lãnh vay. TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, vì nếu để DN tự vay, số nhận được hỗ trợ lãi suất sẽ không nhiều, khó tiếp cận. Điều quan trọng trong giai đoạn này là được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp, và cho vay với hình thức tín chấp chứ không đòi hỏi tài sản đảm bảo.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho rằng, cơ quan chức năng cần cải cách các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của nhà sản xuất kinh doanh.

"Mong muốn của cộng đồng DN, trong điều kiện các ngân hàng thương mại không thể giảm thấp điều kiện cho vay, Chính phủ, NHNN cần ban hành quy định đặc thù để triển khai gói hỗ trợ một cách hợp lý, hiệu quả. Đơn cử như có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao... để cho vay", TS Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm.

Trong khi gói cấp bù lãi suất chưa được triển khai, thì các DN lại đang đối mặt với nguy cơ lãi suất tăng. Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, đã có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm áp dụng với từng kỳ hạn khác nhau. Nguyên nhân là cầu tín dụng tăng trở lại, thanh khoản hệ thống đã bớt dồi dào, áp lực lạm phát gia tăng… Do đó, các chuyên gia cho rằng chính sách phải vận hành một cách rõ ràng, nếu không sẽ rất khó đi vào thực tiễn, hoặc sẽ tạo ra những khó khăn hậu quá trình bù lãi suất như đợt trước đây.

Ngoài ra, điều khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại nhất là thay vì dòng vốn cần đến những nơi sản xuất - kinh doanh lại có thể chảy sang các lĩnh vực nóng. Thực tế, nguy cơ bong bóng tài sản từ dòng tiền đầu cơ càng trở nên rõ ràng hơn khi 2 năm qua nền kinh tế suy giảm, trong khi các kênh đầu cơ như tăng rất mạnh. Tình hình này, nếu kéo dài sẽ đe dọa tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Để khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ và đối tượng được thụ hưởng, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, đề xuất Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của DN qua tình hình nộp thuế. DN sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần cấp bù lãi suất nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này. Như vậy, ngân hàng mới dám mạnh dạn cho vay và cũng tránh được lo ngại ''sân trước - sân sau''.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc sớm lấy ý kiến đóng góp vừa giúp nghị định, thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa những vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng.

Dự thảo nghị định đưa ra yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của ngân hàng thương mại. Thêm vào đó, dự thảo nghị định cũng đề ra nguyên tắc cụ thể để ngăn ngừa việc trục lợi chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể, nếu khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo kết luận của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì khách hàng có trách nhiệm hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được hỗ trợ lãi suất để hoàn trả Ngân sách Nhà nước.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/cap-bu-lai-suat-dieu-kien-tiep-can-can-hop-ly-sat-voi-thuc-te.html