23/11/2024 | 08:31 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo: Thủ đoạn ăn cắp tiền qua mạng ngày càng tinh vi

Cập nhật lúc: 14/01/2019, 06:00

“Tôi đã nhận được tiền đặt cọc mua nhà họ chuyển nhưng quay đi, quay lại số tiền đó chẳng thấy đâu mà số tiền trong tài khoản của tôi cũng biến mất”, chị Vân vừa khóc lóc vừa nói.

Cái dại của người khôn

Trình bày với PV, chị N.K.Vân (Hoàng Mai, Hà Nội), chuyên viên văn phòng bất động sản thổ cư cho biết, chị có quảng cáo và rao bán nhà qua Facebook cá nhân và nhận được liên hệ của một người hỏi mua nhà. Họ giới thiệu là người nước ngoài và đang có nhu cầu về Việt Nam sinh sống nên muốn tìm mua nhà ở Hà Nội. Sau khi giới thiệu, đối tượng đồng ý mua căn nhà với trị giá 4 tỷ đồng, với số tiền cần đặt cọc là hơn 100 triệu đồng.

“Với lý do chuyển tiền từ nước ngoài, họ gửi cho tôi 1 đường link tiếng anh giống website chuyển tiền quốc tế và nói đã chuyển tiền vào đó, tôi bấm vào rồi điền các thông tin xác nhận. Có thể do thao tác của tôi chậm hoặc sai nên không có điều gì xảy ra. Sau này, khi nói với bạn bè, tôi mới biết nhiều người được yêu cầu làm như vậy, nếu không tỉnh táo điền thông tin thì tiền trong tài khoản cũng mất luôn”, chị Vân hoang mang nói.

Lừa đảo lần thứ nhất không thành công, đối tượng này đã viện cớ “do mất phí và xác minh tài khoản đảm bảo" chị Vân cần làm theo yêu cầu và nhập mật khẩu (mã OTP) thì giao dịch mới hoàn tất.

“Khi đó, tôi nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo mã OTP (giao dịch do đối tượng khởi tạo) và cứ đinh ninh mình sẽ nhận được tiền từ nước ngoài, nhưng thật không ngờ số tiền 25 triệu đồng trong tài khoản Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) của tôi tự động biến mất. Khi đó tôi nghĩ tới việc mình bị lừa nên đã liên lạc ngay với tổng đài của BIDV thì được biết, toàn bộ số tiền trên được chuyển cho VTC game và đơn vị này cũng thông báo đối tượng đã sử dụng hết", chị Vân kể lại.

 Thủ đoạn ăn cắp tiền qua mạng ngày càng tinh vi.

Tương tự chị Vân, chị N.T.H.Thương (phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM) là một người chuyên bán nấm lim xanh qua mạng và cũng nhận được tin nhắn mua hàng từ một người có tài khoản facebook là "Doan Anby". Theo giới thiệu, đối tượng cho biết mình đang sống ở Mỹ, muốn đặt mua để làm quà tặng cho bạn bè đang sống trong thành phố và còn nhờ chị Thương ship giùm.

“Tôi cung cấp số tài khoản để họ gửi tiền và chỉ vài phút sau tôi nhận được tin nhắn tài khoản được cộng thêm 700USD và kèm theo yêu cầu để xác nhận số tiền trên cần truy cập vào đường link được cung cấp. Do cả tin, tôi truy cập và làm theo hướng dẫn. 700USD chẳng thấy đâu mà số tiền hơn 20 triệu đồng trong tài khoản Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) của tôi bốc hơi theo”, chị Thương cho biết.

Cùng với thủ đoạn như trên, các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt được hơn 10 triệu đồng của anh N.B.Thịnh (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM). Sau đó, anh Thịnh còn nhận được cuộc điện thoại giả mạo công an và yêu cầu anh cung cấp số chứng minh thư nhân dân và các số tài khoản ngân hàng để phục vụ cho công tác điều tra nhưng anh đã tỉnh táo và không tin bất kỳ cuộc điện thoại lạ nào.

Sau đó, anh Thịnh đã nộp đơn đến phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao để triệt phá đường dây lừa đảo này. “Nhưng các đối tượng lừa đảo này rất chuyên nghiệp, lại lợi dụng sự cả tin của những người như tôi nên công an đang phải đi lần từng đầu mối mà vẫn chưa ra”, anh Thịnh chia sẻ.

Như vậy, chỉ vì thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin mà không ít người đã sập bẫy những kẻ lừa đảo qua mạng vừa mất tiền lại còn đem đến sự phiền phức cho bản thân.

Hãy tự bảo vệ chính mình

Không chỉ có hình thức lừa đảo trên, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) còn đưa ra khuyến cáo: Hiện nay, một số đối tượng lừa đảo còn tạo Facebook giả mạo người thân, bạn bè và nhờ nhận hộ tiền gửi qua các hình thức chuyển tiền từ nước ngoài hoặc nhận hộ khoản nợ giúp người thân… Khi ấy, đối tượng cung cấp cho khách hàng đường link giống các trang website chuyển tiền quốc tế. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn thì vô tình cung cấp thông tin để đối tượng lừa đảo ăn cắp tiền trong tài khoản các ngân hàng. Chính vì vậy khách hàng cần tỉnh táo trước những email, tin nhắn hoặc các cuộc gọi  thông báo trúng thưởng.

 Các ngân hàng luôn có khuyến cáo dành cho khách hàng tránh thủ đoạn ăn cắp tiền qua mạng 

Cảnh báo thêm về vấn đề này, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã đưa ra khuyến cáo cho khách hàng như sau: Để quý khách biết tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, MB mong muốn quý khách hàng đặc biệt lưu ý các nội dung sau:

- Cảnh giác trước những tin nhắn/email có nội dung lủng củng, yêu cầu người nhận phải khai báo thông tin như “ tên/ ngày sinh/ số CMT/ tài khoản/ mật khẩu/ số thẻ/ số tài khoản/ mã OTP,…; đường link giả mạo (đường link sử dụng http – không bảo mật -  giả mạo tên miền chính thống của ngân hàng) – được đính kèm trong email; tuyệt đối không đáp ứng yêu cầu dưới bất kỳ hình thức nào (trừ trường hợp đặc biệt có yêu cầu trực tiếp từ các đơn vị có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra); không chấp nhận chạm vào bất cứ liên kết lạ nào được nhận kể cả từ tài khoản của bạn bè và người thân.

- Đối với máy tính cá nhân cần được cài đặt hệ điều hành mới và sử dụng bản quyền chính thống, được cập nhật các bản vá an ninh bảo mật thường xuyên; máy tính cần được cài đặt phần mềm phòng chống virus có bản quyền của các hãng nổi tiếng, được cập nhật bản vá mới nhất; không đăng nhập hoặc cung cấp tên tài khoản/ mật khẩu/ mã OTP được MB cấp phát cho khách hàng trên bất kỳ ứng dụng/ trang web nào không phải của MB; hạn chế tối đa việc truy cập vào các trang web lạ/không an toàn, đặc biệt là các trang web yêu cầu phải cung cấp thông tin cá nhân chi tiết…

Thủ đoạn ăn cắp tiền qua mạng ngày càng tinh vi nên người dân cần phải luôn tỉnh táo, thường xuyên cập nhập thông tin từ các ngân hàng mình mở tài khoản hoặc thông tin của các cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm để tự bảo vệ tài sản của mình một cách tốt nhất, tránh những hậu quả xấu có thể sảy ra. Sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin cũng sẽ dễ tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.