18/01/2025 | 19:20 GMT+7, Hà Nội

[Cảnh báo] Nguy cơ tái hiện trận lũ lịch sử năm 1986 ở miền Bắc

Cập nhật lúc: 31/07/2015, 14:29

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, tình huống xấu nhất sẽ là khả năng mưa to gây lũ rất lớn tương đương với đợt lũ lịch sử từng xảy ra cách đây 29 năm.

Liên quan điến việc mưa lớn chỉ tập trung dồn dập ở Quảng Ninh, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, do khu vực Vịnh Bắc bộ xuất hiện rãnh áp thấp gây mưa.

“Rất may trong đợt mưa những ngày qua là vùng thấp nằm trọn trên khu vực Vịnh Bắc bộ, nên hầu như toàn bộ lượng mưa đã rơi xuống biển, chỉ có một phần nhỏ ở phía Tây của vùng thấp nằm trên đất liền ven biển Quảng Ninh. Đây cũng là lý do mưa lớn cấp tập chỉ tập trung ở Quảng Ninh”, ông Hoàng Đức Cường cho hay.

Theo nhận định của Trung tâm DBKTTV Trung ương, đợt mưa vừa qua ở Quảng Ninh là hiện tượng mưa hiếm gặp, đạt kỷ lục về lượng mưa quan trắc được ở khu vực này. Năm 1986, Quảng Ninh cũng từng xảy ra một đợt mưa lớn, nhưng về cường độ và tổng lượng mưa cũng như hệ quả gây ra không bằng đợt này.  

Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, diễn biến mưa tại các tỉnh Đông Bắc bộ trong những ngày tới hết sức đáng lo ngại. Từ 29/7 đến 31/7, ở Đông Bắc tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, mưa lớn xuất hiện sâu trong lục địa vùng đồng bằng trung du Bắc bộ, Tây Bắc. Lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số nơi lên đến 300-400mm.

“Quan ngại nhất là từ đêm ngày 31/7 đến ngày 4/8, vùng thấp suy yếu nhưng lại dịch sâu về phía đất liền, chủ yếu là khu vực đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc”, ông Hoàng Đức Cường thông tin.

[Cảnh báo] Nguy cơ tái hiện trận lũ lịch sử năm 1986 ở miền Bắc. Ảnh Zing.vn.

Kịch bản xấu nhất mà Trung tâm DBKTTV Trung ương đưa ra là toàn Bắc bộ sẽ có mưa to, kéo dài từ đêm 31/7 đến hết ngày 2/8, trọng điểm mưa là các tỉnh Đông và Tây Bắc, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, cá biệt có một số nơi sẽ lên đến 500-600mm. Kèm theo mưa lớn là lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi sẽ diễn biến phức tặp.

Đợt mưa này tại các tỉnh miền Bắc sẽ gây một đợt lũ được dự báo tương đương với đợt lũ lớn kỷ lục ở Bắc bộ vào tháng 7/1986.

Theo đó, hệ thống sông Thái Bình nhiều khả năng lũ sẽ đạt mức BĐ II- III, một số sông suối nhỏ ở Lạng Sơn, Cao Bằng có thể vượt mức BĐ III.  

Ông Bùi Minh Tăng, Nguyên giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương lo ngại: “Nguy cơ chúng tôi lo ngại là đợt mưa từ đêm 31-7 đến 3-8, vì vùng mưa lúc này mới đi sâu vào đất liền, diện mưa to bao phủ toàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, cá biệt có thể lên tới 500-600mm, lũ, sạt trượt bao trùm toàn vùng Đông Bắc bộ. Đây là hình thái thời tiết nguy hiểm, đáng lo ngại hơn đợt mưa những ngày qua”.  

Trong 24 giờ qua (19 giờ 29/7 đến 19 giờ 30/7), ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa diện rộng, có nơi mưa to đến rất to như Cửa Ông (Quảng Ninh): 250mm; Quảng Hà (Quảng Ninh): 170mm; Bắc Sơn (Lạng Sơn): 130mm; Sơn Động (Bắc Giang): 120mm.

Mực nước sông Thương đang lên nhanh. Lúc 19 giờ ngày 30/7, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 3.8m (dưới mức báo động 1 là 0.5m). Mực nước sông Kỳ Cùng đang xuống chậm. Lúc 19 giờ ngày 30/7, mực nước trên sông Kỳ Cùng tại Lạng Sơn ở mức 251.46m (dưới báo động 1 là 0.54m).

Dự báo từ đêm nay (30/7) đến ngày 03/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm cả đợt, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm).

Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Đông Bắc trong các ngày 30-31/7, sau đó có khả năng mở rộng thêm ra các tỉnh vùng núi Việt Bắc và Tây Bắc từ 1/8. Trên vịnh Bắc Bộ duy trì gió mạnh cấp 6-7, giật 8-9, sóng biển cao từ 2.0-3.0m, biển động mạnh.

Mực nước trên sông Thương sẽ biến đổi chậm trong 12 giờ tới. Từ ngày 31/7 đến 04/08, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 7 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu hệ thống sông Thái Bình có khả năng lên mức báo động 2-3, sông Kỳ Cùng có khả năng lên lại và đạt mức báo động 2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt ở đô thị Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3.

Diễn biến về đợt mưa còn rất phức tạp, đề nghị theo dõi trong các bản tin tiếp theo.

Sẽ gửi tin nhắn cảnh báo

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc Gia cho biết, sau trận siêu dông tại Hà Nội hồi tháng 6 vừa qua, các cán bộ trung tâm dự báo và Bộ TN&MT đã cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất bản thỏa thuận với Bộ TT&TT cơ chế cung cấp thông tin cho người dân.

Sau ký kết, thay vì chỉ thông báo trên website của trung tâm dự báo, người dân sẽ nhận được cảnh báo những hiện tượng thời tiết cực đoan qua tin nhắn SMS để chủ động phòng tránh.

Đợt mưa lũ lịch sử năm 1986 ở miền Bắc diễn ra từ ngày 13 đến 28/7/1986, do tác động tổ hợp của bão, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới, xoáy thấp và cao áp Thái Bình dương lấn sâu vào lục địa đã gây mưa kéo dài, nhiều đợt liên tiếp.

Tâm mưa lớn 300-400mm ở trung, hạ lưu sông Lô, Thương và Lục Nam. Lũ đặc biệt lớn đã gây sạt lở, tràn, vỡ nhiều đê, đê địa phương thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...

Hàng chục nghìn hecta lúa và hoa màu bị ngập và mất trắng. Nhiều đoạn đường quốc lộ bị ngập, sạt lở và trôi đá. Nhiều hồ chứa, đập đất địa phương bị tràn, vỡ do lũ cao. Lũ lụt làm chết 121 người; sập, trôi 491 nhà; ngập 12.571 nhà.