18/01/2025 | 20:22 GMT+7, Hà Nội

[Cảnh báo] Các bệnh lây nhiễm khi bơi ở nơi công cộng

Cập nhật lúc: 27/05/2016, 18:50

Trước khi đắm mình trong các bể bơi mát mẻ hè này, bạn hãy chắc rằng mình hiểu rõ về nguy cơ nhiễm bệnh trong hồ bơi cũng như cách phòng tránh nhé!

Những tác hại của việc bơi ở nơi công cộng

Mùa hè nóng nực khiến bạn dễ nổi hứng đi hồ bơi, thỏa sức vùng vẫy một lát cùng với bạn bè cho đỡ cuồng chân nhưng đáng tiếc rằng đây có thể chính là nơi có nguy cơ cao gây rắc rối cho sức khỏe.

Nhìn nước trong hồ màu xanh hấp dẫn là vậy nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra nhiều chất độc hại trong đó mà có thể bạn không bao giờ biết được. Hàng nghìn người đi bơi, mỗi người có thể đều để lại một chút da chết, tóc, hóa mỹ phẩm, các mầm bệnh đang mang theo, vi khuẩn và ký sinh trùng,…và một lượng nước tiểu.

Sau khi phân tích những gì có trong nước, người ta thậm chí còn ví hồ bơi công cộng giống như một “toilet cỡ lớn có màu xanh”.

Theo khảo sát, cứ 5 người đi bơi thì có ít nhất 1 người đi tiểu vào trong nước hồ. Trung bình mỗi người để lại khoảng 30-80 ml nước tiểu, và thực tế có thể là nhiều hơn nữa. Mỗi khi bạn đi bơi và bị đỏ mắt, đó hoàn toàn có thể là do nước tiểu trong nước hồ bơi gây ra.

Thông thường người ta sử dụng các chất khử trùng có chứa chlo (ví dụ: chlorine,…) để khử trùng bể bơi. Tuy nhiên vì lượng nước dùng rất lớn nên thường hóa chất không đủ, chưa nói đến việc một số nơi dùng các hóa chất độc hại hoặc chất lượng kém.

Việc tẩy rửa khử trùng sạch sẽ nước các hồ bơi công cộng là điều không thể. Nếu thực hiện đúng để có nước sạch thì sẽ tốn một chi phí rất lớn.

Bể bơi mở cửa cả sáng lẫn chiều sẽ rất thiếu thời gian để hóa chất khử trùng cho hiệu quả. Do vậy, khi ở trong bể bơi, bạn có thể cảm nhận được mùi chlo và các chất tạo thành từ nó.

Hai hợp chất được các nhà nghiên cứu tìm hiểu tương đối kỹ là trichloramine (NCl3) và cyanogen chloride (CNCl). Đó là sản phẩm tạo thành do các thành phần của nước tiểu, mồ hôi phản ứng với các chất khử trùng.

Ngoài ra còn nhiều chất khác nữa, trong đó một số chất đã được chứng minh có khả năng gây ung thư, phá hủy tế bào,…đặc biệt là phá hủy làn da của bạn.

Trước khi đắm mình trong các bể bơi mát mẻ hè này, bạn hãy chắc rằng mình hiểu rõ về nguy cơ nhiễm bệnh trong hồ bơi cũng như cách phòng tránh nhé!

Bơi lội là một thú vui không thể thiếu trong ngày hè oi ả. Đi bơi thường xuyên không chỉ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt, một cơ thể đẹp mà còn làm dịu đi cái nóng bức của mùa hè nắng gắt.

Tuy nhiên, đằng sau rất nhiều lợi ích, khi quyết định đắm mình trong các hồ bơi công cộng cũng là lúc bạn phải đối mặt với hàng loạt mầm bệnh – mối nguy hiểm luôn ẩn chứa và đe dọa tấn công sức khỏe bất kì lúc nào.

 Các bệnh lây nhiễm khi bơi ở nơi công cộng

1. Bệnh ngoài da

Nếu bể bơi có quá nhiều người hoặc không thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khử khuẩn sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Nồng độ vi khuẩn vượt trên mức cho phép dễ gây ra các phản ứng viêm nang lông, viêm lỗ chân lông. Biểu hiện các bệnh ngoài da bạn có thể nhận thấy ngay như mẩn đỏ, ngứa, sần sùi hoặc da xuất hiện các nốt mụn nước.

Chưa kể đến việc trong số những người đi bơi có thể có những người mắc bệnh ngoài da. Đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước.

Đặc biệt, nấm da là căn bệnh rất dễ lây truyền tại các bể bơi bởi nấm có thể bám vào quần áo hay kính bơi của tất cả mọi người.

2. Đau mắt đỏ

Ngoài các bệnh về da, đau mắt đỏ là bệnh thường gặp tại các bể bơi công cộng do tính chất dễ lây lan của bệnh. Một số người không có thói quen sử dụng kính bơi mà mở mắt trực tiếp dưới nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Việc để niêm mạc mắt tiếp xúc trực tiếp với nước bể bơi khiến mắt dễ bị khô, nhiễm khuẩn, từ đó giảm sức đề kháng của mắt.

3. Các bệnh tai, mũi, họng

Bạn cũng có thể mắc những bệnh về tai, mũi, họng khi đi bơi ở bể bơi công cộng. Mọi người thường ít quan tâm đến việc nên sử dụng mũ bơi khi đi bơi, phần vì đây không phải là trang bị quá phổ biến, phần vì nó gây ra cảm giác khó chịu.

Điều này khiến nước bể bơi chứa các loại vi khuẩn, nấm mốc dễ dàng xâm nhập và đọng lại ở trong tai. Nếu không vệ sinh đúng cách sẽ gây ra các cơn ngứa ngáy, khó chịu.

Thậm chí, nặng hơn có thể khiến tai mưng mủ, chảy nước vàng, viêm tai ngoài và giảm thính lực.

4. Bệnh vùng kín

Nấm phụ khoa hay các căn bệnh lây lan qua đường sinh dục khác, đặc biệt là bệnh lậu có thể phát sinh do nguồn nước không đảm bảo hoặc có người mắc bệnh trong hồ bơi.

Các căn bệnh vùng kín không chỉ gây ra những khó chịu tức thời mà về lâu dài còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

5. Bệnh về đường tiêu hóa

Mặc dù nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa không cao bằng các loại bệnh khác nhưng điều đấy không có nghĩa hệ tiêu hóa của bạn an toàn nếu bạn thường xuyên "uống" nước bể bơi trong một thời gian dài.

Chúng có thể gây ra tình trạng đau bụng nhẹ, rối loạn chuyển hóa, lâu dài là viêm dạ dày, tiêu chảy, thậm chí viêm ruột – đều là những căn bệnh ảnh hưởng "kha khá" tới tình trạng sức khỏe của bạn đấy!

Một số lưu ý để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hồ bơi:

- Lựa chọn hồ bơi có nguồn nước sạch, không quá đông người.

- Không bơi khi trên người có vết thương hở.

- Trang bị các phương tiện bảo hộ như kính bơi, mũ chụp đầu.

- Không ngâm nước hồ bơi quá lâu và vệ sinh sạch sẽ tai mắt bằng nước muối sinh lý sau khi bơi.

Xem thêm: Bơi - những điều cần chú ý khi đi bơi