Cần xử lý nghiêm kẻ phát tán hoang tin về công tác phòng chống dịch Covid-19
Cập nhật lúc: 18/03/2020, 20:22
Cập nhật lúc: 18/03/2020, 20:22
Đêm qua, trên mạng xã hội, nhất là tại các nhóm kín, bắt đầu lan truyền những thông tin về nội dung “cuộc họp khẩn giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các sở ngành (họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 - PV)”. Để củng cố độ tin cậy, tin nhắn này còn nêu cuộc họp bắt đầu từ 16h, tan lúc 19h.
Nội dung tiếp theo đưa ra thông tin “15 ngày tới sẽ là những ngày căng thẳng vô cùng, mọi người lưu ý nhắc gia đình hạn chế tối đa ra đường”, rồi thì “ngày 18/3, Hà Nội sẽ phải đón 1.800 người bay về từ các nước châu Á và đây sẽ là nguồn lây dịch tiềm năng trong khi năng lực xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội – CDC quá tải; các khu cách ly tại Hà Nội cũng đã quá tải… Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang từ chối các cuộc điện thoai của lãnh đạo thành phố vì không thể sản xuất đủ nhu cầu…”.
Tất cả “vẽ” ra bức tranh tối màu như thể Hà Nội sắp “thất thủ” tới nơi trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan nhanh khiến không ít người hoang mang, lo lắng… Tuy nhiên, cần khẳng định ngay, tất cả các thông tin này đều là bịa đặt, không có cơ sở.
Đầu tiên, từ 16 – 19h hôm qua, không có cuộc họp nào của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố do Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì. Tất cả các phiên họp của Ban chỉ đạo từ khi thành lập tới nay đều diễn ra công khai, có mời đông đảo phóng viên báo chí tới dự và đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh nói chung; các chỉ đạo, biện pháp phòng chống dịch của thành phố đã, đang và sẽ triển khai. Tất cả thông tin đều minh bạch, không có bất cứ điều gì giấu diếm.
Ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đang lây lan khá nhanh tại Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước. Dù vậy, tình huống này đã được ngành y tế và thành phố Hà Nội tính đến ngay từ khi dịch xâm nhập Việt Nam. Đi cùng với đó, các giải pháp phòng dịch quyết liệt, theo tinh thần chủ động, “chống dịch như chống giặc” của cả nước, trong đó có Hà Nội, đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Bằng chứng rõ nét nhất là tới thời điểm này, dù có dịch xâm nhập khá sớm nhưng so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, Việt Nam – Hà Nội vẫn duy trì số ca mắc ở mức rất thấp và chưa có bệnh nhân nào tử vong. Dù có rất nhiều khó khăn, một số việc chưa từng có tiền lệ nhưng như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói: “Dịch bệnh Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát”.
Hiện nay, năng lực xét nghiệm của thành phố với Covid - 19 là 2.000 mẫu/ ngày; xét nghiệm nhanh thời gian thực là 1.500 mẫu... hoàn toàn đảm bảo mọi nhu cầu. Chưa kể, để dự phòng, chia sẻ sức ép với Hà Nội, mới đây, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… được xét nghiệm Covid-19. Thế nên, hoàn toàn không có chuyện CDC Hà Nội sẽ không kịp làm xét nghiệm như thông tin đã lan truyền.
Tương tự, về các khu cách ly, thành phố Hà Nội đã tính toán “đường xa”, dự trù nhiều kịch bản khác nhau trong phòng chống dịch, kể cả tình huống xấu nhất nên sẽ không lo thiếu. Hiện nay, dù các khu hiện có chưa quá tải nhưng thành phố đã tính tới những địa điểm có thể tổ chức cách ly cho công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch như Khu nhà ở sinh viên tại Tứ Hiệp (Hoàng Mai); một số trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sơn Tây; bệnh viện đa khoa Mê Linh; khu tái định cư Thượng Thanh...
Tại các quận, huyện, một số công trình công cộng, khách sạn… cũng đã được dự trù cho việc cách ly nên khả năng quá tải hầu như không có.
Như đã nói, thành phố đã dự tính nhiều kịch bản khác nhau cho dịch Covid-19 trên địa bàn nên các bước chuẩn bị chống dịch đều được thực hiện bài bản, khoa học và trật tự. Hiện nay, không chỉ là khu cách ly hay năng lực xét nghiệm, các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ chống dịch hay nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống ngày thường của người dân đều đã được thành phố chỉ đạo xây dựng phương án và triển khai mua sắm, dự trữ, cung cấp đầy đủ, không cho phép xảy ra tình trạng đứt quãng hay thiếu hụt cục bộ, ngay cả trong tình huống xấu nhất.
Về khẩu trang kháng khuẩn, sau cuộc họp với các doanh nghiệp lớn chiều qua, hôm nay, Bộ Công Thương cũng khẳng định, các doanh nghiệp trong nước đủ nguyên liệu vải và sản xuất lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng được nhu cầu phòng chống dịch, thậm chí là xuất khẩu. Bộ cũng đã thành lập tổ công tác kết nối cung cầu do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm Tổ trưởng điều tiết sản xuất, phân phối mặt hàng khẩu trang. Do đó, người dân không cần lo lắng về vấn đề khẩu trang kháng khuẩn.
Đây không phải lần đầu tiên những tin đồn vô căn cứ gây hoang mang cộng đồng hoành hành trong mùa dịch Covid-19, cũng không phải lần cuối cùng. Đáng tiếc, cũng giống như những thông tin bịa đặt kiểu “mọi người ơi, giờ abc, ngày xyz đừng ra đường vì sẽ phun khử khuẩn trên bầu trời toàn quốc…”, vẫn có không ít người không tìm hiểu nội dung đã vội vã chia sẻ những tin nhắn dạng này.
Thế nên, bên cạnh việc sát cánh với Hà Nội chống dịch Covid-19 lúc này, cộng đồng cần chung tay đấu tranh với virus tin giả, để tin giả và những kẻ sản xuất, phát tán chúng không còn đất sống. Để làm được việc này, ngoài việc trang bị kiến thức, tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống để tăng khả năng tự “phòng vệ”, ngay khi phát hiện tin giả, người dùng mạng xã hội cần báo ngay tới cơ quan chức năng.
Tất cả các hành vi phát tán và sản xuất tin giả cần phải được xử lý nghiêm khắc, phạt hành chính, xử lý hình sự… để làm gương, không cho phép chúng lan truyền để cộng đồng hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng tiêu cực tới công tác phòng chống dịch Covid-19 và an toàn của xã hội nói chung…
11:10, 15/03/2020
16:58, 12/03/2020
13:19, 29/02/2020