25/04/2024 | 23:43 GMT+7, Hà Nội

Cẩn trọng với việc mua bán, giao dịch tài khoản Chat GPT trên mạng

Cập nhật lúc: 20/02/2023, 09:57

Từ khi xuất hiện và được nhiều người Việt quan tâm, Chat GPT chưa lúc nào giảm độ “nóng”.

ChatGPT chưa cho phép đăng kí trực tuyến tại Việt Nam

Được startup OpenAI cho ra mắt từ khoảng tháng 11/2022, ChatGPT là một công cụ trả lời bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Cho đến nay, công cụ ChatGPT đang thu hút sự chú ý của thế giới công nghệ cả trong nước và quốc tế. Nhiều người dùng ở Việt Nam đang có nhu cầu tạo tài khoản OpenAI để trải nghiệm công cụ trí tuệ thông minh nhân tạo này. Hiện tại, ChatGPT vẫn đang được thử nghiệm miễn phí. Người dùng sẽ truy cập vào trang chat.openai.com để đăng ký sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, ChatGPT vẫn chưa hỗ trợ người dùng tại Việt Nam.

Mọi người nên thận trọng khi sử dụng các dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam thời gian này để tránh rủi ro
Mọi người nên thận trọng khi sử dụng các dịch vụ ChatGPT tại Việt Nam thời gian này để tránh rủi ro

Tại thời điểm này, ChatGPT chưa cho phép đăng kí trực tuyến tại Việt Nam. Vì thế, để thử nghiệm dịch vụ, người dùng phải có một số “mẹo” như cài đặt VPN, sử dụng dịch vụ thuê số điện thoại ảo để đăng ký SMS nhận mã OTP đăng nhập vào ChatGPT, hoặc nhờ người thân, bạn bè đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài để “nhờ số điện thoại” đăng ký và nhận mã OTP…. Nắm bắt được nhu cầu của người dùng, dịch vụ cho thuê, mua bán tài khoản ChatGPT đang khá sôi động trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Các chuyên gia cho biết, thực trạng này có nhiều nguy cơ rủi ro, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác.

Hiện, trên các trang mạng xã hội đang có rất nhiều nhóm mua bán như “Mua bán tài khoản ChatGPT; “ChatGPT hướng dẫn sử dụng, cung cấp tài khoản”… và rất nhiều các nhóm khác, với số lượng thành viên lên đến hàng chục nghìn người ở mỗi nhóm.

Liên hệ với một nick, PV được người này đưa ra mức giá là 20 nghìn đồng một tài khoản, chỉ cần cho tài khoản gmail và chuyển khoản, sau khoảng năm phút là có tài khoản để dùng. Hiện có ba loại tài khoản, một là tài khoản lập trên một số điện thoại riêng, được gọi là tài khoản “VIP” vì có sẵn 18 USD trong tài khoản, có thể dùng nhiều tiện ích hơn như tích hợp phần mềm đồ họa, thiết kế 3D trên website OpenAI.com. Hai là tài khoản lập trên một số điện thoại dành cho nhiều tài khoản, không có tiền trong tài khoản, loại tài khoản thường này có giá rẻ hơn. Ba là một tài khoản được chia sẻ cho nhiều người dùng, loại này theo người bán khuyên là không nên dùng vì dễ để lộ lọt thông tin cá nhân.

Với một nick rao bán khác, đòi giá 40 nghìn đồng cũng sẽ được cấp một tài khoản. Với số lượng hàng chục nghìn thành viên ở mỗi nhóm, chỉ cần một phần trong số đó mua tài khoản, doanh thu của “thương vụ” cũng kha khá. Có thể do nhu cầu của người dùng quá nhiều nên đã xuất hiện nhiều thông tin trên các nhóm về việc “Tuyển cộng tác viên đăng ký tài khoản ChatGPT – hoa hồng cao”.

Với mức giá 99 nghìn đồng, PV được giới thiệu là “tài khoản ChatGPT sử dụng full tính năng”. Ngoài ra, người dùng không cần sử dụng VPN, có thể tự thay đổi mật khẩu và chỉ việc đăng nhập vào để sử dụng ChatGPT. Mặc dù dịch vụ ChatGPT đang được OpenAI cung cấp miễn phí, song để kết nối API ứng dụng hoặc khai thác thêm các chức năng, người dùng cần trả phí. Với loại tài khoản có sẵn 18 USD và người dùng có thể tùy chỉnh chuyên sâu để tối ưu hóa các kết quả tìm kiếm tùy mục đích. 18 USD này sẽ được trừ dần vào các lần sử dụng. Trung bình OpenAI sẽ tính phí 0,005-0,02 USD cho mỗi ký tự trong câu trả lời. Tài khoản loại này trên thị trường có giá lên đến 200 nghìn đồng.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù là mua hẳn một tài khoản ChatGPT và có tên người dùng, mật khẩu riêng, song theo “hướng dẫn sử dụng” của các nhóm bán tài khoản ChatGPT, thì “hiện tại ChatGPT có số lượng người sử dụng rất đông nên đôi khi có trường hợp “lag” nhẹ, trong trường hợp này các bạn đợi ít phút rồi truy cập lại”.

Nhiều chuyên gia cho biết việc mua, bán tài khoản tràn lan và nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kẻ xấu có thể yêu cầu người mua chuyển khoản trước mà không cung cấp tài khoản, mật khẩu, hoặc đưa tài khoản không sử dụng được. Có khi, kẻ xấu sẽ dẫn dụ người mua đưa thông tin email và mật khẩu, người dùng có thể bị đánh mất thông tin tài khoản và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác.

Theo nhận định của Cty An ninh mạng thông minh (SCS), khi dùng chung tài khoản ChatGPT, những câu hỏi riêng tư, hoặc thông tin bí mật của người dùng sẽ được lưu lại. Vì lí do này, những người dùng chung một tài khoản sẽ nắm được thông tin để theo dõi, đọc trộm thông tin của những người khác. Hoặc có thể, khi người dùng mua lại tài khoản, thì chính người bán là người có quyền kiểm soát tài khoản đó. Ngoài ra, vì không phải là người sở hữu số tài khoản, người dùng có thể mất tài khoản bất cứ lúc nào nếu người giữ số điện thoại thu hồi hoặc phần mềm Chat GPT yêu cầu xác minh số điện thoại.

Khi dùng chung tài khoản ChatGPT, những câu hỏi riêng tư, hoặc thông tin bí mật của người dùng sẽ được lưu lại. Vì lí do này, những người dùng chung một tài khoản sẽ nắm được thông tin để theo dõi, đọc trộm thông tin của những người khác.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-trong-voi-viec-mua-ban-giao-dich-tai-khoan-chat-gpt-tren-mang-323250.html