19/01/2025 | 10:09 GMT+7, Hà Nội

Cần mạnh tay đánh thuế biệt thự bỏ hoang

Cập nhật lúc: 05/06/2021, 10:30

Đây là giải pháp để hạn chế tình trạng hàng loạt biệt thự tại các khu đô thị mới bị bỏ hoang trong thời gian dài khiến bức tranh đô thị nham nhở, đồng thời gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Khu đô thị mới là loại hình bất động sản không thể thiếu trong quá trình phát triển đô thị. Các khu đô thị mới là niềm hy vọng của người dân về một không gian sống mới chất lượng hơn, tiện ích hơn và đáng sống hơn. Đây là điều mà bất kể quốc gia nào cũng cần thực hiện tốt nếu muốn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển, cải thiện bộ mặt đất nước.

Tuy nhiên, thực tế phát triển các khu đô thị mới ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, khi nạn đầu cơ, lướt sóng bủa vây khiến nhiều khu đô thị chưa phát triển đúng hướng. Điển hình nhất là tình trạng, một thời gian dài, đặc biệt là giai đoạn năm 2008 - 2012, nhiều chủ đầu tư tham gia xây dựng các khu đô thị mới như một phong trào nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều khu đô thị vẫn đang trong tình trạng dở dang với hàng loạt căn biệt thự bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Đa phần các căn biệt thự bỏ hoang đều đã có chủ hoặc đã bán qua tay nhiều chủ nhưng mang tính chất đầu cơ, người mua không có nhu cầu sử dụng. Sau hàng loạt “cuộc đổi chác”, giá bị đẩy lên cao khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.

Bình quân diện tích nhà ở trên đầu người có phần tăng lên trong nhiều năm qua nhưng thực chất là đang kéo giãn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong bức tranh đô thị. Người sở hữu cả nghìn mét vuông, người lại chẳng có mét nào.

Mặt khác, tại nhiều dự án, chủ đầu tư do không đủ năng lực tài chính nên triển khai dở dang, không đầu tư đồng bộ hạ tầng theo đúng quy hoạch, dẫn đến khó quy tụ dân cư về ở. Khu đô thị từ năm này qua năm khác vẫn trong tình trạng nhếch nhác, hoang hóa mà dư luận vẫn hay gọi là “những khu đô thị ma”.

Cụ thể, tại Hà Nội, không khó để tìm các căn biệt thự bỏ hoang này. Dù đã có tuổi đời hơn thập kỷ, nhiều căn biệt thự vẫn “cởi trần” phơi gió, phơi sương, thậm chí thành chỗ trú ngụ cho cây cỏ dại và thành chốn quen thuộc của các đối tượng hút chích, nghiện ngập. Đi dọc Khu đô thị Cổ Nhuế, Khu đô thị Mễ Trì, Khu đô thị Trung Văn, Khu đô thị Dương Nội, Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, Khu đô thị Cầu Bươu… có thể dễ dàng nhìn thấy hàng loạt căn biệt thự bỏ hoang, dù hầu hết các khu đô thị này đã được khai sinh cả chục năm về trước. Đây là một sự lãng phí rất lớn khiến nhiều người dân phải xót xa.

Biệt thự bỏ hoang

Biệt thự bỏ hoang
Biệt thự bỏ hoang xuất hiện nhan nhản tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyên Hà.

Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra vấn đề cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản, gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý, có mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó, coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải điều tiết bằng thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đó không sử dụng, trong khi người thu nhập thấp thiếu nhà ở. Chiến lược phát triển bất động sản phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội.

UBND TP. Hà Nội cũng vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Theo đó, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.

Việc đánh thuế biệt thự bỏ hoang là giải pháp nhiều chuyên gia đã nêu trước đây. Và thực tế, từ năm 2012, UBND TP. Hà Nội đã từng đề xuất với Bộ Tài chính thực hiện đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu nhà bỏ hoang. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ thu thuế luỹ tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp này vẫn chỉ nằm ở đề xuất. Do đó, theo các chuyên gia, chủ trương điều tiết thị trường bằng đánh thuế, hạn chế tình trạng biệt thự để hoang là rất cần thiết và nên sớm quyết liệt đưa ra hướng triển khai để phát huy nguồn lực đất đai, ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

“Những người bỏ tiền tỷ mua biệt thự đều nằm trong nhóm “đại gia”, nếu không đánh thuế nặng, họ vẫn để hoang biệt thự nhưng khi đánh thuế thật cao, dù giàu có đến mấy họ vẫn chịu cảnh “của đau con xót” nên phải chấp nhận hoàn thiện và đưa vào sử dụng với các mục đích khác nhau”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định và cho rằng, cần xem giải pháp thuế là liều thuốc trị tận gốc tình trạng biệt thự bỏ hoang tại các đô thị.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhìn nhận, việc đánh thuế là để điều tiết các hành vi, điều tiết sự không cần thiết hoặc khuyến khích sự thay đổi theo hướng tích cực trên thị trường bất động sản. Đây là một giải pháp nên làm để giải quyết tình trạng lãng phí tài nguyên, nhân lực của cả quốc gia và xã hội. Nguồn lực đó lẽ ra phải dành cho những người có nhu cầu thật về nhà ở.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, cần phải nghiên cứu, xem xét để có mức thuế buộc chủ sở hữu phải đưa đất, dự án vào sử dụng, tránh hoạt động đầu cơ, thổi giá cũng như lãng phí tài nguyên xã hội.

“Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo, vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn”, ông Thịnh nói và cho biết thêm, đối với trường hợp mua không sử dụng thì nên đánh thuế tương đương với mức cho thuê. 

Ngoài việc đánh thuế người mua để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, mua không sử dụng rồi để hoang, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần chặt chẽ hơn trong việc cấp phép, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng dự án, để tránh trường hợp các nhà đầu tư không có năng lực, phát triển khu đô thị theo hình thức “lấy mỡ nó rán nó” dẫn đến tình trạng khu đô thị sau nhiều năm vẫn dở dang, không hoàn thiện. Nhiều người dân mua nhà phải sống trong cảnh lộn xộn, nhếch nhác, bên cạnh là các căn nhà hoang, không hình thành cộng đồng dân cư. Bên cạnh sự lãng phí đất đai thì chất lượng cuộc sống của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có giải pháp mạnh tay để ngăn chặn triệt để tình trạng này./.

Nguồn: https://reatimes.vn/can-manh-tay-danh-thue-biet-thu-bo-hoang-20201224000004186.html?fbclid=IwAR1dn49Wg94lrgxxGiYDgyA5D9ysQTiGimpLaYPaSyEH1O7Iop8t9qtWa4k