19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

Cảm biến máy ảnh 1D ToF nhỏ nhất thế giới được AMS giới thiệu

Cập nhật lúc: 15/01/2019, 10:00

Tại sự kiện CES 2019 diễn ra từ hôm qua (8/1), AMS, công ty có trụ sở tại Áo đã trình làng một cảm biến ToF mới, đây là mô-đun 1D ToF nhỏ nhất trên thế giới. Cảm biến mang số hiệu TMF8701 có kích thước chỉ 2.2 x 3.6 x 1 mm với khả năng chống nhòe và giảm nhiễu tốt nhưng vẫn đảm bảo trường nhìn chụp ảnh.

Cảm biến máy ảnh 1D ToF nhỏ nhất thế giới được AMS giới thiệu.
 

Cảm biến ToF (Time-of-Flight) là cảm biến đo thời gian, hoạt động bằng cách phát ra các xung ánh sáng hồng ngoại để đo thời gian và tính toán khoảng cách giữa thiết bị đến vật thể.

Về phần cứng, mô-đun này bao gồm một bộ phát hồng ngoại VCSEL tích hợp, các bộ phát hiện ánh sáng SPAD, bộ chuyển đổi thời gian sang kỹ thuật số và lõi xử lý biểu đồ.

Các thành phần này được sử dụng kết hợp để chạy các thuật toán liên quan đến khả năng của cảm biến tiệm cận trên chip. Mô-đun đạt được độ chính xác +/- 5% khi đo khoảng cách trong phạm vi 20 đến 60 cm trong điều kiện ánh sáng bình thường.

Ngay cả trong ánh sáng mặt trời (100 klux), độ chính xác +/- 5% vẫn được duy trì ở phạm vi lên tới 35 cm. TMF8701 có thể thu được 940 microamp ở chế độ gần khi lấy mẫu ở tần số 10Hz.

Cảm biến ToF này dự kiến sẽ được ứng dụng vào các hệ thống tránh va chạm trên xe ô tô hay được dùng trên smartphone cho việc chụp ảnh. Ngoài ra, mô-đun mới của AMS cũng có thể sử dụng trong bảo mật điện thoại thông minh với tính năng nhận dạng khuôn mặt, đảm bảo tốc độ xử lí nhanh và chính xác.

Gần đây, các nhà sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các cảm biến trên smartphone của mình. Sony, một trong những nhà sản xuất máy ảnh điện thoại thông minh hàng đầu trên thế giới, cho rằng cảm biến ToF là một yếu tố mang tính cách mạng trong tương lai.

Nhu cầu của cảm biến này ngày càng tăng trưởng mạnh, được sử dụng trên các dòng flagship từ những thương hiệu hàng đầu như Samsung và Huawei. 

Nhu cầu này được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất đang nỗ lực để đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng về các phương pháp bảo mật tốt hơn và nhanh hơn ngoài máy quét vân tay, cũng như các phần mềm và tính năng máy ảnh thông minh hơn, từ việc làm mờ hậu cảnh đến các tính năng AR mới. 

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp di động đang phải đối diện với thách thức trong việc tạo ra các smartphone có màn hình lớn, viền mỏng hơn, pin lớn hơn nhưng vẫn đảm bảo được tính thẫm mỹ cũng như bề dày của điện thoại.

Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải cân nhắc trong việc lựa chọn các thành phần bên trong thiết bị.  Vì thế, với kích thước nhỏ gọn, mô-đun TMF8701 mới của AMS sẽ có thể giải quyết được vấn đề trên. Nhờ phần diện tích tiết kiệm được thông qua việc sử dụng cảm biến này, các nhà sản xuất có thể tăng cường thời lượng pin, cải thiện các vấn đề về thiết kế smartphone. 

Sự ra đời của mô-đun ToF TMF8701 là một tin tốt cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất, tuy nhiên sẽ phải mất một thời gian nữa thì cảm biến này mới có thể được áp dụng. Các nhà sản xuất smartphone cần thêm thời gian để nghiên cứu và tích hợp thành phần này trên các thiết bị của mình. 

Về phía AMS, công ty đã bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt cảm biến TMF8701. Giá của thành phần này cũng tương đối rẻ, chỉ 2.6 USD (~ 60.400 đồng) cho các đơn hàng từ 5.000 đơn vị. 

Hoàng Anh/Theo Android Headlines