22/01/2025 | 17:10 GMT+7, Hà Nội

Cạm bẫy từ những lời mời cho vay; ngăn chặn tín dụng đen hoành hành

Cập nhật lúc: 01/02/2023, 14:47

Lợi dụng hoàn cảnh nhiều người cần tiền để trang trải, các hình thức cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng, lập các tài khoản hội nhóm trên mạng xã hội... với số lãi lên tới hơn 1.000% lại bùng phát.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua; đây là những ngày luân chuyển tiền - hàng hóa tăng cao trong nền kinh tế khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng đột biến. Đến hẹn lại lên, cầu tín dụng tiêu dùng của không ít người trở thành bức thiết, khiến vấn nạn tín dụng đen có cơ hội bùng phát.

Cạm bẫy từ những lời mời cho vay

Còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nạn "tín dụng đen" có chiều hướng tăng. Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn liều vay tiền với lãi suất cao.

Mừng vì được vay tiền mà không cần thế chấp, một người đi vay đâu biết đó lại là chiêu trò dẫn dụ "con mồi". Cứ tưởng được họ giúp đỡ lúc khó khăn, nạn nhân này không ngờ mình đã "sập bẫy" cho vay nặng lãi.

Cạm bẫy từ những lời mời cho vay
Cạm bẫy từ những lời mời cho vay

Cùng với nạn nhân trên, nhiều người đã mắc bẫy các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi đằng sau những lời mời chào hấp dẫn: thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp … là vô số cạm bẫy từ các đường dây cho vay nặng lãi. Có nhiều người cùng quẫn, tự tử, gia đình ly tán... Áp lực từ những trận cá độ và các khoản nợ cuối năm đã khiến nhiều người nhắm mắt liều thân.

Theo chị T.L. (sinh năm 1988, ở Thanh Hoá), do cần vốn kinh doanh nên chị được bạn bè, người quen giới thiệu vay vốn bên ngoài. "Ban đầu vay lãi suất 1,5 - 1,75%/ngày và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con. Thậm chí, tôi còn bị các đối tượng cho vay nặng lãi làm hợp đồng giả cách mua bán nhà, chuyển khoản chỉ 600 triệu đồng nhưng trong hợp đồng mua bán nhà photo đề giá bán tới 3 tỷ đồng", chị T.L. bức xúc.

Trong thực tế, tín dụng đen tồn tại gắn với những tệ nạn xã hội như lô đề, cá độ... Do vậy, dẹp bỏ tín dụng đen phải song hành với dẹp bỏ các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, cần truyền thông đến người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, để xóa tâm lý sợ đến ngân hàng, nghĩ là vay ngân hàng khó khăn.

Có thể khẳng định, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại, công ty tài chính thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 100 - 360%/năm của tín dụng đen. Nhưng để được vay vốn với mức lãi suất không vượt trần theo quy định của pháp luật từ các tổ chức được cấp phép, hoạt động theo quy định của luật pháp, thì khách hàng cũng phải sử dụng vốn vay đúng mục đích và cho những hoạt động pháp luật không cấm, điều kiện cho vay cũng chặt chẽ hơn.

Cần nới các điều kiện cho vay tiêu dùng?

Tín dụng đen là vấn đề tồn tại nhiều năm cho dù đã bị triệt phá liên tục. Bên cạnh những khuyến nghị về chính sách để răn đe ngăn chặn kinh doanh và hoạt động tín dụng đen hay kêu gọi các đơn vị cho vay tạo ra những gói vay hợp lý và ưu đãi, thì nới điều kiện vay để người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng tiêu dùng là giải pháp hữu hiệu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần cải thiện thủ tục, điều kiện cho vay để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng hơn, thay vì tìm đến tín dụng đen khi có nhu cầu.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thừa nhận đã có nhiều hệ lụy đau lòng từ tín dụng đen, có người phải tự tử hoặc đi biệt xứ trốn tránh. Những người không trực tiếp vay mượn cũng chịu hệ lụy.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng thương mại gia tăng tín dụng cho vay tiêu dùng. Trong đó, VPBank và HDBank đã tiên phong triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Điển hình như FE Credit thuộc VPBank và HD Saison thuộc HDBank, mỗi đơn vị đăng ký gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 50% so với lãi suất thông thường triển khai dịp cuối năm.

Một số công ty tài chính khác cũng nhập cuộc triển khai gói cho vay tiêu dùng lãi suất thấp như MB Shinsei (Mcredit) đang áp dụng chính sách giảm gần 50% lãi suất cho công nhân.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đã tiếp cận các phân khúc khách hàng hàng đại chúng chưa tiếp cận được hoặc khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này, nhất là dịp cuối năm.

Phó Thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng xem việc tung vốn chính thức đẩy lùi tín dụng đen là một nhiệm vụ quan trọng và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng.

"Những nhu cầu chính đáng, cấp bách như đi khám chữa bệnh, học hành... sẽ được tạo điều kiện tối đa để tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm nguyên tắc không để xảy ra rủi ro cho tổ chức tín dụng", ông Tú nói.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/cam-bay-tu-nhung-loi-moi-cho-vay-ngan-chan-tin-dung-den-hoanh-hanh-20201231000008939.html