19/01/2025 | 13:22 GMT+7, Hà Nội

Cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội: Quyết liệt tạo chuyển biến

Cập nhật lúc: 10/06/2020, 15:47

LTS: Những năm gần đây, mặc dù Thành ủy Hà Nội đã có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, UBND thành phố cũng ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị với những biện pháp cụ thể...

LTS: Những năm gần đây, mặc dù Thành ủy Hà Nội đã có nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường, UBND thành phố cũng ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị với những biện pháp cụ thể, song thành phố vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài. Trước thực tế này, tại buổi làm việc giữa thành phố Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 23-5 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí. Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài đề cập đến vấn đề này.

Bài 1: Ô nhiễm không khí gây nhiều hệ lụy

Thời gian qua, ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hiện nay, tình trạng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ, đã và đang gây nhiều hệ lụy cho môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội...

Đốt rơm rạ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khói, bụi khắp nơi...

Việc đốt rơm rạ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những ngày gần đây có mặt tại một số xứ đồng thuộc xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận việc rơm rạ bị đốt ngay trên ruộng, khói bụi bao phủ cả một vùng... Ông Kiều Minh Hùng, xã Liệp Tuyết bức xúc: Mấy ngày gần đây, người dân đốt rơm rạ nhiều. Dù cách xa khu dân cư hàng trăm mét nhưng khói từ ngoài đồng vẫn theo chiều gió bay thẳng vào nhà dân, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tương tự, tình trạng đốt rơm rạ cũng xảy ra ở nhiều xứ đồng thuộc các huyện: Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Oai... khiến không khí oi nóng càng trở nên ngột ngạt.

Không chỉ đốt rơm rạ, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề cũng diễn ra phổ biến ở nhiều vùng quê gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là những ngày Hà Nội đang hứng chịu đợt cao điểm nắng nóng kéo dài. Bà Vũ Thị Hường ở thôn Triệu Xuyên, xã Long Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết: Mùi khét lẹt của gỗ cháy, cộng với làn khói đen kịt bốc lên, bay vào khu dân cư khiến ai hít phải cũng đau đầu, tức ngực, khó thở...

Tình trạng đốt vải vụn cũng thường xuyên xảy ra tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Dù đơn vị thu gom rác thải trên địa bàn đã nhiều lần kiến nghị UBND xã có biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng đốt rác thải vẫn không giảm.

Đáng chú ý, tình trạng khói bụi từ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực nội đô. Những ngày đầu tháng 6-2020, nồng độ bụi mịn (PM2.5) ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường từ thời điểm 23h kéo dài 2-3 tiếng sau đó. Đặc biệt, vào đêm 6-6 vừa qua, nồng độ bụi tăng cao đột biến, chỉ số chất lượng không khí tại khu vực chạm ngưỡng xấu và rất xấu. Nguyên nhân chính được xác định là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ.

Khu vực nội thành còn phải thường xuyên chịu ô nhiễm bởi khói xe và bụi từ các công trình xây dựng... Trong đó, dọc tuyến đường từ Trần Phú (quận Hà Đông) đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động xây dựng, vận chuyển vật liệu gây rơi vãi đất cát, bụi bẩn cũng diễn ra phổ biến.

Khói, bụi... đang là những tác nhân khiến chất lượng không khí ở Hà Nội suy giảm. Theo kết quả quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao, nồng độ bụi mịn thường cao hơn trong khu dân cư... Cụ thể, liên tục từ ngày 1 đến 7-6 vừa qua, nồng độ các chất ô nhiễm có trong không khí (PM10 và PM2.5) trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng.

Không khí tại Hà Nội ô nhiễm do khói, bụi giao thông và thi công công trình xây dựng.

... và những hệ lụy

Đã có nhiều năm làm công tác quản lý môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Mai Trọng Thái nhận xét: Nhiều năm nay, chất lượng không khí ở Hà Nội có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2019, khu vực nội thành ghi nhận 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, chỉ số AQI cao nhất dao động 151-200. Thế nhưng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, có các đợt ô nhiễm vào các ngày 13 và 14-1; 2 và 23-2, chỉ số AQI tại khu vực Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Trung Yên 3... dao động quanh mức 151-201 (mức xấu và rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân).

Tại khu vực ngoại thành, những ngày qua tình trạng đốt rơm rạ tái diễn khiến chỉ số AQI từ 18h đến 23h các ngày 3, 4 và 6-6 tại thị trấn Sóc Sơn dao động từ 163 đến 220 (mức xấu và rất xấu); xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), chỉ số AQI 101-130 (mức kém)...

Ô nhiễm không khí cũng khiến gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí; riêng với bệnh lý hô hấp, khoảng 43% trường hợp tử vong...

Còn tại Việt Nam, bác sĩ Bạch Thị Nhớ, công tác tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết: Bụi PM2.5 đi vào cơ thể, khi tích tụ sẽ gây ra các bệnh liên quan đến tim, đột quỵ và một số bệnh mạn tính khác như hen suyễn. Đặc biệt, người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp... liên tục hít phải không khí ô nhiễm, nguy cơ bệnh ngày càng tăng nặng.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thường xuyên khuyến cáo người dân cần theo dõi chất lượng không khí trên website moitruongthudo.vn; trên Báo Hànộimới số ra hằng ngày... Khi thấy chỉ số AQI hiện màu cam (mức kém), màu đỏ (mức xấu), màu tím (mức rất xấu), người dân cần hạn chế ra ngoài trời và có biện pháp bảo vệ sức khỏe.

(Còn nữa)