25/11/2024 | 08:00 GMT+7, Hà Nội

Cải cách chính sách thuế bảo vệ môi trường, mở rộng đối tượng chịu thuế

Cập nhật lúc: 27/04/2022, 07:30

Mục tiêu hướng đến của Chiến lược là dần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế, trong đó, tập trung vào các loại thuế như: Tài nguyên; Sử dụng đất nông nghiệp; Sử dụng đất phi nông nghiệp;...

Chiến lược cải cách hệ thống thuế

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Việc cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 dựa trên quan điểm thuế, phí, lệ phí là công cụ của Nhà nước góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, động viên được các nguồn lực đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững; giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế và môi trường gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021–2030.

Chính phủ  sẽ nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế môi trường.
Chính phủ  sẽ nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế môi trường.

Hiện Chính phủ hướng đến việc hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu hướng đến của Chiến lược là dần hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế, trong đó, tập trung vào các loại thuế như: Tài nguyên; Sử dụng đất nông nghiệp; Sử dụng đất phi nông nghiệp; Bảo vệ môi truờng; Xuất, nhập khẩu; Giá trị gia tăng…

Cùng với đó, hiện đại hóa  toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Từ đó hướng đến năm 2025, 90% người nộp thuế hài lòng với sự phục vụ của cơ quan thuế. Đến năm 2030, chỉ số này là 95%.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đưa ra các giải pháp thực hiện, cải cách với từng loại thuế. Trong đó, với thuế tài nguyên sẽ là nghiên cứu sửa đổi quy định, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên theo hướng minh bạch, rõ ràng, đảm bảo chính sách thuế tài nguyên tiếp tục là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ tài nguyên, khuyến khích sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích chế biến sâu, nâng cao giá trị tài nguyên.

Sẽ tập trung nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế

Với thuế bảo vệ môi trường, sẽ tập trung nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chính sách thuế bảo vệ môi trường là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) sẽ tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Mặt khác, sẽ tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Song song đó, xây dựng chính sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.

Việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo các mục tiêu yêu cầu như: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn;

Tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế; Các quy định trong Luật rõ ràng, dễ hiểu,dễ thực hiện, dễ quản lý; Động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời phải đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam. Sau đây là những nội dung chủ yếu của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cai-cach-chinh-sach-thue-bao-ve-moi-truong-mo-rong-doi-tuong-chiu-thue-66442.html