19/01/2025 | 05:55 GMT+7, Hà Nội

Cách phòng tránh nguy cơ tử vong vì nặn mụn độc

Cập nhật lúc: 07/09/2015, 21:56

Sự việc một người thanh niên bị tử vong do nặn mụn đã khiến dư luận hết sức hoang mang vì đây là hành động thường xuyên của hầu hết mọi người trong cuộc sống thường ngày.

Người Việt thường có thói quen nặn, cậy các loại mụn trên mặt hoặc trên cơ thể ở bất cứ đâu và trong bất cứ điều kiện nào. Chính thói quen xấu này là thủ phạm cho nhiều căn bệnh về da như dị ứng, sưng tấy, phù nề, nhiễm trùng hoặc nặng hơn nữa là bệnh lan rộng sang đường máu, cơ ... ảnh hưởng tới tính mạng. 

Mụn là được coi là một ổ vi trùng ngoài cơ thể người và việc dùng tay có chứa nhiều vi khuẩn khác để nặn mụn sẽ càng khiến cho ổ vi trùng ấy bị viêm nhiễm, lở loét hoặc nhiễm trùng nặng. Nhiều trường hợp nặn mụn khiến sinh ra mụn đinh râu. Mụn đinh râu chính là loại mụn độc mọc quanh mồm, miệng và có khả năng gây tử vong cho người. 

Tác hại của việc nặn mụn 

- Khi nặn mụn, nhiều người thường dùng tay để nặn. Nhưng bàn tay lại là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, khiến cho chúng dễ dàng xâm nhập vào vết thương sau khi nặn mụn, dẫn tới nhiễm trùng nặng và da lâu lành hơn.

- Nặn mụn khi mụn còn chưa chín khiến tình trạng viêm nhiễm càng trầm trọng, mụn lâu khỏi và dễ để lại sẹo.

- Việc tự ý nặn mụn, không đảm bảo vệ sinh dễ sinh ra mụn đinh râu rất nguy hiểm. Mụn đinh râu nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn tới biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong nhanh chóng.

Mụn đinh râu là loại mụn độc rất dễ gây tử vong.

Mụn đinh râu là loại mụn độc rất dễ gây tử vong.

Mụn đinh râu là gì? 

- Đinh râu là một loại mụn độc, thường xuất hiện ở vùng quanh miệng (môi và mép). Đinh râu có thể gây biến chứng lan vào các xoang mặt, làm viêm tắc các tĩnh mạch trong não hoặc nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm. Biến chứng nghiêm trọng của đinh râu có thể dẫn đến tử vong nếu như không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

- Mụn đinh râu thường sinh ra do việc nặn mụn trứng cá, mụn nhọt không đúng cách, nhổ râu, cạo râu bị chảy máu, xăm môi, ngoáy mũi bằng tay gây xước, dẫn đến nhiễm trùng. Ngoài ra, tùy theo cơ địa, mụn đinh râu cũng có thể mọc tự phát trên cơ thể.

Cách nhận biết và xử lý mụn đinh râu

- Cách nhận biết mụn đinh râu 

+ Cảm thấy trên mép có vết sưng đau, nhìn vào thấy đỏ, sau đó mưng mủ và có ngòi như đầu đinh.

+ Mụn tấy đỏ và tạo cảm giác đau nhức. Sờ vào vùng xung quanh thấy nóng.

+ Trường hợp mụn nặng, cơ thể có thể bị sốt cao trên 40 độ, mệt mỏi và tinh thần bất an.

Các triệu chứng trên cũng có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ theo thời gian và nặng dần, gây ra biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp nhọt càng ngày càng sưng to, kèm theo nóng, đỏ và đau nhức, mệt mỏi, sốt li bì, cản trở các hoạt động bình thường. 

- Cách điều trị khi gặp mụn đinh râu

+ Khi mới phát hiện vết sưng đỏ, chưa có mủ: Dùng bông chấm cồn iod 1-3% lên chỗ sưng nhiều lần trong ngày. Sau đó, sử dụng kem bôi đặc trị để ngăn chặn ngay sự phát triển của mụn.

+ Khi đinh râu đã có mủ, đau nhức: Đến cơ sở y tế khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn. Trong trường hợp không có biểu hiện nghiêm trọng, hãy đợi vài ngày cho mụn “chín”, tự vỡ và dùng bông y tế thấm dịch, lấy đinh râu ra ngoài.

Sau đó, rửa lại bằng cồn iod, tránh cọ xát làm xước vùng mụn vừa được tháo mủ. Tuyệt đối không được tự ý nặn loại mụn này, sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Những loại mụn có mủ, nhiều cồi mụn hoặc mọc xung quanh mồm miệng tuyệt đối không nên tự ý nặn.

Những loại mụn có mủ, nhiều cồi mụn hoặc mọc xung quanh mồm miệng tuyệt đối không nên tự ý nặn.

Loại mụn nào được nặn và không được nặn? 

- Những loại mụn dưới đây là không được phép nặn vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm: 

+ Mụn đinh râu

+ Mụn trứng cá bọc gồm nhiều ổ viêm, mụn mủ, sưng to và đau, không thấy cồi mụn.

+ Mụn trứng cá nổi thành từng đám.

+ Mụn xuất hiện cùi trắng, mụn mủ thường lớn và rất đau, chảy dịch hoặc mủ rất hôi.  

+ Mụn trứng cá ác tính thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng viêm kèm sốt nhẹ, mụn có kích thước lớn và rất đau. 

- Những loại mụn được phép nặn

+ Các loại mụn ở thể nhẹ, mọc riêng rẽ, kích thước nhỏ và cồi mụn khô, đen và trồi lên. Điều đó chứng tỏ mụn đã già và an toàn cho việc nặn.

Hãy rửa sạch tay và sử dụng dụng cụ nặn mụn.

Hãy rửa sạch tay và sử dụng dụng cụ nặn mụn.

Cách nặn mụn an toàn 

- Nếu có điều kiện, bạn nên đến các cơ sở y tế để nặn mụn vì tại đây có đầy đủ dụng cụ y tế, các chất tẩy trùng - khử trùng và các nhân viên được đào tạo cách xử lý các loại mụn. 

- Nếu bạn tự nặn các mụn lành thì nên nhớ, khi mụn mới hình thành, tuyệt đối không dùng tay sờ lên nốt mụn, bởi điều đó sẽ khiến vùng da mụn nhiễm khuẩn nặng hơn. Khi mụn chín (xuất hiện đầu trắng, hơi ngả vàng) thì có thể tiến hành nặn mụn: 

+ Đầu tiên, rửa mặt thật sạch sẽ.

+ Tiếp đó, rửa tay bằng xà phòng diện khuẩn và sát trùng dụng cụ nặn mụn bằng nước sôi. Tuyệt đối không nặn mụn bằng móng tay hay ngón tay.

+ Nặn nhẹ đến khi nào đầu mụn ra ngoài hoàn toàn. Cần lấy sạch hết cồi mụn.

+ Sau khi lấy sạch cồi thì sẽ chảy dịch và máu, dùng bông gòn sạch lau sạch.

+ Cuối cùng rửa sạch mặt với nước.