Cách nhận biết và phòng tránh kiến ba khoang
Cập nhật lúc: 13/11/2015, 07:34
Cập nhật lúc: 13/11/2015, 07:34
Kiến ba khoang gần đây đã xuất hiện trở lại với mất độ dày đặc tại phía Nam và hoàn toàn có khả năng lan rộng ra khu vực phía Bắc. Có rất nhiều người hiểu sai về loài kiến này dẫn đến nhiều trường hợp bị kiến đốt chuyển biến bệnh nặng, thậm chí có nguy hiểm đến tính mạng.
PGS.TS Trương Xuân Lam- Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết: "Kiến 3 khoang thực chất là loài côn trùng có lợi, con người không phải mục tiêu tấn công của nó, nhưng nhiều người lại đối phó sai cách với kiến ba khoang gây tổn hại sức khỏe".
PGS Trương Xuân Lam cho biết, kiến 3 khoang không thuộc họ kiến. Đây là loài côn trùng bắt mồi có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis. Chúng có chiều dài từ 5-7mm và có 3 khoang màu sắc trên cơ thể.
Kiến 3 khoang có thân mình thon nhỏ, 2 đốt bụng cuối màu đen, tiếp theo là khoang màu đỏ hoặc màu vàng, ngực màu đen và cổ màu vàng hay đỏ nhìn giống con kiến.
Kiến 3 khoang xuất hiện thường xuyên trên cánh đồng lúa, đậu tương, ngô, rau màu… Thức ăn của chúng là trứng sâu hại, rầy hại và một số loài sâu hại nhỏ. Tuy nhiên với tập tính hướng sáng, khi thấy nhà dân thắp đèn điện, loài côn trùng này sẽ bay vào nhà và gây phiền nhiễu.
Dưới đốt bụng của kiến ba khoang có hai tuyến độc tố có tên khoa học là Pederin. Khi tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụt nước. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời.
Vì vậy mọi người nên tìm hiểu đầy đủ kiến thức về kiến ba khoang để có cách phòng tránh và đối phó khi bị kiến ba khoang đốt, tránh đối phó sai cách kiến bị nặng hơn.
- Khi phát hiện kiến ba khoang nên tắt bớt đèn, thổi gió để xua đuổi kiến ra khỏi nhà. Tuyệt đối không bắt kiến, xịt kiến hoặc giết kiến bằng các biện pháp khác.
- Trong trường hợp bị kiến bám lên da thì chỉ "búng" con vật ra khỏi cơ thể, tuyệt đối không đập chết hay chà xát để hạn chế nọc độc lan rộng trên da.
- Khi bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da.
- Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.
- Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da.
- Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng.
- Khi vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành.
- Nếu bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.
- Nếu ở gần khu vực có nhiều cây cối nên lắp lưới mắt dày để tránh côn trùng bay vào nhà, xịt toàn bộ căn nhà bằng thuốc chống côn trùng của các công ty uy tín.
- Ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý: Chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng…
- Buổi tối không nên bật đèn sáng chói, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn.
- Các cửa trong nhà đều nên có rèm che dày dặn, chắn ánh sáng phát ra ngoài thu hút côn trùng.
- Khi có cảm giác côn trùng rơi vào người nên lắc mạnh hoặc giũ quần áo cho côn trùng rơi xuống. Tránh quệt tay mạnh hoặc đập chết côn trùng.
05:10, 04/01/2016
23:48, 13/12/2015
21:32, 03/11/2015
08:24, 18/09/2015