Cách lựa chọn dầu ăn an toàn, tốt cho sức khỏe
Cập nhật lúc: 23/07/2017, 08:23
Cập nhật lúc: 23/07/2017, 08:23
Dầu ăn được chế biến bằng cách chiết xuất từ chất béo thực vật. Có thể nói, nó là thực phẩm không thể thiếu khi làm các món chiên, xào, nướng.
Trên thực tế, bạn thường mua dầu ăn mà không định hướng đó là loại dầu gì, cách sử dụng ra sao cũng như ưu nhược điểm của từng loại đối với sức khỏe. Người tiêu dùng thường bị phân tâm bởi có quá nhiều loại từ dầu ô liu đến dầu hướng dương, dầu cải… mà thương hiệu nào cũng quảng cáo mình là sản phẩm tuyệt vời nhất.
Bạn cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, tất cả các loại dầu ăn đều chứa chất béo, bao gồm cả lành mạnh và không lành mạnh. Vì thế, việc lựa chọn loại dầu ăn cho bữa ăn hàng ngày đặc biệt quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường.
Chuyên gia cho biết, dầu ăn tốt có độ sánh, mùi thơm nhẹ và trong suốt. Khi nhiệt độ xuống thấp, các loại dầu ăn sẽ bị đông. Mỗi loại dầu ăn có một điểm đông khác nhau.
Có những loại dễ đông như dầu dừa, cọ; cũng có loại khó đông hơn như dầu đậu nành, hạt cải, hướng dương, gạo... Hiện tượng dầu ăn đông khi nhiệt độ hạ xuống thấp là đặc tính vật lý tự nhiên, không gây ra biến đổi hóa học, nên sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn với sức khỏe.
Màu sắc dầu ăn đậm hay nhạt cũng do đặc tính tự nhiên. Ví dụ như dầu đậu nành có màu vàng nhạt, dầu mè thơm có màu nâu cánh gián, dầu gạo lại mang màu vàng sẫm, dầu ôliu có màu vàng ngả xanh... Khi lựa chọn, nên căn cứ vào đặc tính màu sắc tự nhiên của loại dầu ăn đó để lựa chọn phù hợp.
Với các món ăn chiên nướng ở nhiệt độ cao, bà nội trợ nên chọn những loại dầu ăn bền nhiệt, tức là có điểm bốc khói cao.
Ví dụ như dầu gạo, một trong những loại dầu thực vật có điểm bốc khói cao (khoảng 254 độ C), vừa thích hợp trộn salad, vừa chế biến được món chiên nướng.
Tuy nhiên, bất kỳ loại dầu ăn nào cũng không nên đun ở nhiệt độ quá cao (trên 180 độ C), để món ăn không cháy và giảm giá trị dinh dưỡng.
Hóa chất có thể biến dầu tái chế, mỡ bẩn thành dầu ăn giá rẻ với màu sắc bắt mắt, đánh lừa thị giác người tiêu dùng. Chúng còn được dán nhãn, đóng tem mác giả để trà trộn vào thị trường.
Chỉ dựa vào cảm quan bên ngoài, khó xác định được chất lượng dầu ăn. Vì vậy, lời khuyên cho các bà nội trợ là nên chọn sản phẩm của thương hiệu uy tín, bày bán ở cửa hàng tin cậy.
Dười đây là 3 dạng dầu ăn phổ biến trên các kệ thực phẩm:
- Dầu tốt: Dầu cải, dầu ô liu, trà là được coi là những loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe nhất.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dầu cải là loại lành mạnh nhất vì nó giàu chất béo omega-3. Đồng thời, loại dầu này có nồng độ chất béo bão hòa ở mức thấp nhất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu cải có khả năng làm giảm đáng kể lượng cholessterol xấu trong cơ thể.
- Loại vừa: Dầu hướng dương, dầu ngô và dầu đậu nành. Loại dầu ăn nói trên giàu chất béo omega-6 nhưng rất hạn chế lượng omega - 3.
- Nên hạn chế sử dụng: Dầu động vật, dầu thực vật được hydro hóa. Những loại này chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa, có khả năng cản trở các mạch máu lưu thông bình thường.
Bạn cũng nên nhớ, sử dụng dầu ăn cần hết sức hạn chế và không được dùng quá nhiều. Lượng dầu ăn tối đa 1 người lớn sử dụng mỗi ngày chỉ nên dao động xung quanh mức 25-30g.
Đặc biệt chú ý khi dầu sôi. Lúc này dầu bắt đầu khói. Nếu để sôi quá độ, chất béo lành mạnh có thể chuyển hóa thành chất khác gây hại cho cơ thể.
09:35, 20/03/2016
13:00, 09/03/2016
13:42, 24/02/2016