20/01/2025 | 00:02 GMT+7, Hà Nội

Cách khắc phục những bệnh thường gặp sau Tết

Cập nhật lúc: 11/02/2019, 14:01

Dưới đây là các loại bệnh thường gặp phải sau những ngày Tết Nguyên đán kéo dài ăn uống thất thường và chế độ ăn không khoa học.

Rối loạn tiêu hóa

Có thể nói, đây là bệnh đứng đầu khiến mọi người thường mắc trong dịp Tết. Sở dĩ có chuyện này là bởi đây là dịp mọi người thường ăn quá nhiều, không đúng bữa với thức ăn nhiều mỡ, đạm, chất kích thích nên dẫn đến việc bị rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng thường gặp là tiêu chảy, táo bón, trướng bụng, đắng miệng, mệt mỏi, không muốn ăn, ăn không ngon miệng, đi phân sống… Do đặc tính của mình, thường thì những bệnh này có biểu hiện sau Tết. Theo các bác sỹ, khi thấy những biểu hiện bất thường trên, mọi người nên đi khám ngay để có biện pháp chữa trị kịp thời.

55

Nếu ở dạng nhẹ, bạn có thể tự mua thuốc điều trị tại nhà với điều kiện phân không có máu và không bị sốt. Có dùng thuốc có chứa loperamit được bày bán tại các cửa hàng tân dược.

Ngoài ra, bạn có thể nhờ dược sỹ tư vấn, họ có thể cho bạn những lời khuyên hiệu quả.

Tuy nhiên có nhiều người muốn khỏi thật nhanh đã dùng thuốc với liều cao. Điều này thường không tốt vì có trong trường hợp bệnh nhân bị đi ngoài do nhiễm khuẩn, việc uống thuốc quá nhiều như vậy có thể giúp bạn không đi ngoài phân lỏng nữa nhưng lại cản trở sự đào thải các mầm mống gây bệnh ra bên ngoài.

Ngoài thuốc tân dược, mọi người có thể sử dụng một số loại cây thuốc, đồ ăn để phòng và điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa như sữa chua, cây cúc cam, gừng, cây tầm ma, vỏ cây sồi…

Ngoài ra, trong quá trình sinh hoạt, uống thuốc, các bạn nên uống thật nhiều nước sẽ giúp việc phòng và chữa trị nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Việc chữa trị bằng những phương pháp ở trên chỉ được áp dụng khi bệnh ở thể nhẹ. Nếu bệnh nặng, hoặc có những biểu hiện như đi ngoài ra máu, đi ngoài kèm sốt cao, uống thuốc điều trị tiêu chảy trong vòng 24 tiếng không có dấu hiệu thuyên giảm bệnh... cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để được các bác sỹ khám bệnh và cho phương pháp điều trị hiệu quả.

Viêm gan và gan nhiễm mỡ

Viêm gan là căn bệnh thường gặp, đặc biệt là trong mỗi dịp lễ Tết. Đây là bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Bất luận là viêm gan do vi khuẩn, virus, do rượu bia, gan nhiễm mỡ... đều có thể phát triển thành viêm gan mãn tính hoặc xơ gan.

22

Gan nhiễm mỡ là biểu hiện đầu tiên của bệnh gan mà nguyên nhân có thể phân thành nhiều loại như gan nhiễm mỡ do dinh dưỡng, do hóa chất, do nội tiết, do vi sinh vật, do di truyền, do miễn dịch... Chính vì thế mà việc ăn uống với thành phần thức ăn không hợp lý như: nhiều chất béo, mỡ động vật, thức ăn có lượng đường quá cao cũng có khả năng chuyển hóa thành chất béo. Thời gian ăn uống vào dịp Tết thường không điều độ, có thể gây rối loạn sự cân bằng trong quá trình chuyển hóa chất béo. Đó là điều kiện phát sinh béo phì và gan nhiễm mỡ.

Viêm gan do rượu thường có các biểu hiện như: Chán ăn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Thường thì người uống rượu nhiều sau 1 - 2 tuần, xuất hiện một hay nhiều các triệu chứng nói trên. Bệnh diễn biến nặng nề sau thời gian uống rượu nhiều và liên tục, viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt với những người có tiền sử bệnh gan mật trước đó.

Việc phát hiện và điều trị sớm viêm gan, có thể ngăn ngừa được xơ gan, ung thư gan. Cho nên sau Tết nên đến các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm để phòng ngừa bệnh lý này. Thức ăn dinh dưỡng hàng ngày cho bệnh nhân viêm gan thông thường như sau:

Thức ăn chính (cơm, bột, mì...): 200 - 400g (nữ khoảng 200g). Trứng gà: 1 quả. Sữa bò hoặc sữa đậu nành: 250 mg. Thịt nạc hoặc cá: 100 - 200g. Dầu thực vật: 50g. Rau xanh: 400g. Trái cây: 100g.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc tân dược, khoa học đã chứng minh, việc sử dụng một số bài thuốc Đông y cũng có tác dụng rất tốt trong việc chữa trị. Để hạn chế việc mắc bệnh, mọi người có thể sử dụng các loại nước uống thường ngày như: Nước rau má, nước nhân trần, actiso uống hằng ngày.

Còn khi đã thấy biểu hiện của bệnh, mọi người có thể dùng một trong những bài thuốc sau:

Bài 1:Bạch linh 12g, trần bì 12g, hương phụ chế 16g, bán hạ 12g, sơn tra 20g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2:Nhân trần 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, sa tiền 12g, xích thược 12g, trạch tả 12g, ý dĩ 16g, sơn tra 16g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3:Sài hồ 12g, đương quy 12g, chỉ thực 12g, xuyên khung 12g, hậu phác 12g, đại táo 12g, bạch thược 12g, uất kim 12g. Sắc uống ngày một thang.

Đối với người bệnh mãn tính

Trong không khí vui vẻ ngày Xuân, những bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, viêm loét dạ dày, tá tràng... thường “quên” các nguyên tắc kiêng kỵ nên phát sinh các tai biến tăng đột biến tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Để phòng ngừa, người mắc các bệnh mãn tính này phải tuyệt đối giữ đúng nguyên tắc sinh hoạt, các kiêng cữ vẫn thực hiện hàng ngày. Đặc biệt không nên uống rượu bia, hút thuốc lá, cần ngủ đủ và nghỉ ngơi ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như: đau đầu, chóng mặt... Phải chuẩn bị một số thuốc thiết yếu như: thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, thuốc đái tháo đường, để xử lý kịp thời mọi bất trắc.

Sau Tết, người bệnh nên đi gặp thầy thuốc để kiểm tra lại và làm các xét nghiệm sinh hóa, cận lâm sàng để có hướng xử lý kịp thời.