18/01/2025 | 19:09 GMT+7, Hà Nội

Cách hành xử của cha mẹ khi con ăn vạ

Cập nhật lúc: 14/07/2015, 12:01

Ăn vạ là một thói xấu của trẻ mà không cần được dạy trẻ cũng học được và có xu hướng gia tăng sau mỗi lần ăn vạ thành công. Bởi vậy cha mẹ cần phải có những phương pháp thích hợp để ngăn chặn hành vi này phát triển.

Hầu hết các bậc cha mẹ, ông bà và họ hàng hiện nay đều vẫn giữ thói quen nhượng bộ mỗi khi đứa trẻ ăn vạ (khóc, gào, la hét hoặc quậy phá ...). Suy nghĩ của đại bộ phận người Việt Nam vẫn luôn là trẻ con chưa biết gì và cần phải đáp ứng nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ không ăn vạ nữa. Tuy nhiên đây chính là một sai lầm trong cách dạy trẻ và khiến cho trẻ càng ngày càng hư, số lượng lần ăn vạ càng ngày càng tăng và thực tế trẻ hiểu về hành vi của trẻ sớm hơn chúng ta tưởng rất nhiều. 

Bởi vậy, để dạy trẻ ngoan và không có thói ăn vạ, các gia đình phải thực hiện nghiểm chỉnh các phương pháp dạy dỗ và đối phó với trẻ khi trẻ bắt đầu ăn vạ ngay từ lần đầu tiên. 

1. Không cho trẻ ở nơi đông người khi bắt đầu ăn vạ

Khi trẻ ăn vạ, bố mẹ bế con vào phòng riêng, khóa cửa lại để mọi người xung quanh không thể can thiệp. Đặt trẻ xuống, dọn dẹp sao cho đảm bảo xung quanh con không có gì nguy hiểm. Bật quạt (nếu trời nóng), lấy sẵn khăn mặt để đó cho trẻ tùy nghi sử dụng.

Nếu trẻ bắt đầu nôn ọe thì bố mẹ chuẩn bị chậu để hứng và khăn để lau. Để nguyên đó cho trẻ tự xử lý. Sau đó, bố mẹ lấy tai nghe ra nghe nhạc, mắt vẫn liên tục quan sát con. 

Dù trẻ có ăn vạ, hờn lẫy, quậy phá thế nào cha mẹ cũng tuyệt đối mặc kệ cho tới khi trẻ tự dừng hành vi ăn vạ lại

Dù trẻ có ăn vạ, hờn lẫy, quậy phá thế nào cha mẹ cũng tuyệt đối mặc kệ cho tới khi trẻ tự dừng hành vi ăn vạ lại

Nếu trẻ đứng dậy, có hành động phá rối với việc bố mẹ đang làm thì bố mẹ phải phản ứng. Nếu yêu cầu trẻ không thực hiện hành vi phá rối bất thành thì cất tai nghe đi và ngồi lên giường. Hai chân bố mẹ gập lại sao cho đầu gối sát với mặt. Úp mặt vào đầu gối, vòng tay ôm qua chân. Lúc này, trẻ có xông vào cấu xé, lôi kéo sự chú ý của cha mẹ thì cha mẹ cũng phải mặc kệ. Cố gắng giữ nguyên tư thế ngồi như vậy cho đến khi trẻ tự nín.

Sau khi trẻ đã nín khóc và quên chuyện ăn vạ, bố mẹ không giáo huấn, bởi lúc này trẻ chưa hiểu những lời giáo huấn. Bố mẹ có thể đứng dậy làm việc khác mà coi như sự vụ ăn vạ chưa hề xảy ra. Tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đó.

Bố mẹ yên tâm là trẻ đủ khôn ngoan để biết rút kinh nghiệm. Chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn xử lý độ vài ba lần là việc ăn vạ sẽ giảm dần và mất hẳn.

2. Xử lý khi trẻ ăn vạ tại siêu thị 

Thực tế khi ra nơi công cộng, trẻ sẽ ỷ lại vào việc có đông người để đòi hỏi và nếu đòi hỏi không được đáp ứng thì sẽ bắt đầu ăn vạ. Đầu tiên, nếu trẻ đòi hỏi khi đang ở siêu thị, bố mẹ cương quyết không đáp ứng yêu cầu. Bố mẹ nên tập thói quen nói chuyện rõ ràng với trẻ trước khi đi siêu thị về những thứ trẻ sẽ được mua tại đó.

Nếu trẻ ăn vạ tại siêu thị, cha mẹ hãy rời đi khỏi chỗ trẻ đang đứng để trẻ buộc phải chạy theo

Nếu trẻ ăn vạ tại siêu thị, cha mẹ hãy rời đi khỏi chỗ trẻ đang đứng để trẻ buộc phải chạy theo 

Trong trường hợp trẻ ăn vạ tại đó, bố mẹ cần phải “thản nhiên” bỏ đi, dĩ nhiên con vẫn phải luôn ở trong tầm mắt nhưng đừng cho trẻ thấy. Trẻ sẽ phải nhanh chóng chạy theo.

Việc này có thể sẽ còn xảy ra thêm vài lần nữa nhưng rồi trẻ sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm đòi hỏi.

3. Xử lý trẻ ăn vạ khi ăn cơm 

Khi trẻ ăn cơm, nhớ cho trẻ tự xúc. Khoảng 1,5 - 2,5 tuổi nếu bố mẹ rèn luyện sớm là trẻ có thể tự ăn thành thạo. Cần phải giao hẹn trước với trẻ thời gian ăn cơm là bao nhiêu lâu. Nếu con xúc chậm, đặt đồng hồ và yêu cầu con xúc trong đúng khoảng thời gian đã giao hẹn.

Hãy rèn luyện trẻ từ bé khi ăn cơm là phải ngồi ghế ăn và tuyệt đối tránh dỗ dành đưa trẻ đi ăn rong

Hãy rèn luyện trẻ từ bé khi ăn cơm là phải ngồi ghế ăn và tuyệt đối tránh dỗ dành đưa trẻ đi ăn rong.

Sau thời gian đó mà trẻ vẫn chưa ăn xong thì bố mẹ phải cương quyết cất bát đi. Trẻ sẽ nhận thức và hiểu được thông điệp nghiêm khắc này khi thấy bụng đói hơn bình thường. Tuyệt đối không cho trẻ ăn vặt sau bữa phạt để trẻ có luôn cảm giác đói đó đến bữa sau.

Thực hiện nghiêm chỉnh trong một tuần, các bố mẹ sẽ có một đứa con ăn siêu ngoan và siêu nhanh nhé.

4. Cần có một hình phạt thống nhất dành cho trẻ

Bố mẹ nên dành thời gian nói chuyện với trẻ về những việc trẻ được phép làm và không được phép làm, bao gồm cả nguyên nhân tại sao. Bố mẹ cũng cần quy định với trẻ một hình phạt cụ thể khi trẻ mắc lỗi, có thể là úp mặt vào tường hoặc ngồi im trên ghế trong 30 phút hoặc không được xem bộ phim hoạt hình yêu thích.

Khi trẻ có thái độ không tốt, cần áp dụng hình phạt đã thỏa thuận và không mềm lòng, dù trẻ có phản ứng thế nào cũng phải đảm bảo hình phạt được thực hiện đầy đủ. Đảm bảo sau đó trẻ sẽ ngoan hơn.

Cần áp dụng nghiêm túc những hình phạt nhỏ khi trẻ mắc lỗi

Cần áp dụng nghiêm túc những hình phạt nhỏ khi trẻ mắc lỗi

5. Xử lý trẻ ăn vạ khi chuẩn bị ra ngoài

Khi cả nhà chuẩn bị đi đâu đó mà trẻ ăn vạ thì cha mẹ chỉ cần giả vờ nhanh nhẹn dọn dẹp đồ đạc để đi chơi và ra khỏi nhà thật nhanh, đừng quên chào tạm biệt trẻ để đi chơi. Các bố mẹ hãy yên tâm, trẻ sẽ lao vút ra ngoài theo bố mẹ ngay (dĩ nhiên sẽ kèm theo vài cơn nức nở nữa, nhưng sẽ nhanh chóng hết khi trèo lên xe).

6. Luôn cho trẻ quyển được lựa chọn

Khi trẻ bướng bỉnh, không chịu nghe lời, cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn cho trẻ. Trẻ sẽ được chọn một trong các hướng. Khi tuyên bố về các hướng, cha mẹ nên nói cả hậu quả của việc theo hướng đó để con có thông tin lựa chọn.

Ví dụ: Một là con ăn ngoan và sau đó mẹ sẽ đọc truyện cho con nghe. Hai là con ăn chậm thì sẽ bị phạt như thế nào. Trẻ sẽ chọn hướng nào ít thiệt hại hơn. Lúc này không cần giục giã, trẻ sẽ làm mọi việc nhanh và gọn cực kỳ. 

Trẻ con thường nhận thức khá sớm, nhớ lâu và khá khôn ngoan. Vì thế để dạy dỗ hoặc đối phó với tính xấu của các bé không dễ. Tuy nhiên chỉ cần bố mẹ cần có bản lĩnh cao, kiên quyết, nói thì sẽ làm, bình tĩnh, không cáu gắt, sẵn sàng cho trẻ chịu một, hai bữa đói ... thì sẽ rèn được nếp suy nghĩ, cách sống và hành xử ngoan ngoãn, biết nghe lời cho trẻ.