19/01/2025 | 13:30 GMT+7, Hà Nội

Cách chăm trẻ bị viêm phổi mau khỏi bệnh

Cập nhật lúc: 21/12/2018, 11:10

Rất nhiều trẻ bị viêm phổi trong thời điểm giao mùa. Dấu hiệu viên phổi ở trẻ là gì và cách chăm trẻ bị viêm phổi thế nào để mau giúp trẻ bình phục?

Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi

Trên thế giới mỗi năm cứ 20 giây lại có trẻ em tử vong vì bệnh viêm phổi, tính ra mỗi ngày có đến 4.300 sinh mạng trẻ em mất đi vì viêm phổi trên toàn cầu. Trong đó, 98% trẻ tử vong sống ở các quốc gia đang phát triển.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có hai dấu hiệu mà cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm phổi đó là:

Ho và thở nhanh, vì khi phổi bị viêm, sự trao đổi ôxy ở phổi trở nên khó khăn hơn nên cơ thể dễ thiếu ôxy.

Chỉ cần cha mẹ quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng quan sát lúc trẻ nằm yên hoặc ngủ, không được quan sát lúc trẻ đang quấy khóc.

Một số trẻ bị viêm phổi nhưng không ho không sốt mà chỉ ngủ li bì, bỏ bú.

Lúc này, cha mẹ phải hay nhìn vào phần ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm vào khi trẻ hít vào hay không thì hầu như các mẹ Việt Nam không làm được bởi vì chúng ta quấn trẻ quá chặt và quấn kỹ.

viem-phoi1

Các triệu chứng của viêm phổi bao gồm sốt, khó thở, tim đập nhanh và ho dữ dội có thể bị nhầm lẫn với các bệnh trẻ nhỏ khác như sốt rét (Ảnh minh họa)

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

Để phòng tránh bệnh viêm phổi cũng như một số bệnh khác, trẻ phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và kéo dài cho đến khi trẻ dược 18 - 24 tháng. Trẻ phải được chăm sóc, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở... và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân... Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nơi cư trú để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, tránh lây lan cho người khác, không nên tự dùng thuốc cho trẻ.

Khi bị viêm phổi, trẻ thường xuyên cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, bỏ ăn nên cha mẹ cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này. Mẹ nên cho trẻ ăn bổ sung một cách hợp lý gồm 4 nhóm thực phẩm như các loại ngũ cốc, đạm động vật hay đậu đỗ, dầu mỡ và rau, củ, quả.

Không chỉ cần quan tâm đến vấn đề trẻ bị viêm phổi nên ăn gì mà khi trẻ bệnh, cách cho trẻ ăn cũng có nhiều điều cha mẹ cần lưu ý kỹ:

Chia nhỏ các bữa ăn hoặc có thể tăng bữa ăn theo nhu cầu của trẻ.

Trước khi ăn nên vệ sinh mũi sạch sẽ giúp mũi trẻ được thông thoáng, hít thở tốt, giúp trẻ bú mẹ và ăn uống dễ dàng mà không bị ói, nôn trớ.

Thức ăn phải bảo quản và chế biến hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồ ăn cho bé nên nấu mềm hơn và loãng hơn thường ngày vì khi bệnh và mệt mỏi thì trẻ thường biếng ăn và khó tiêu hóa thức ăn hơn.

Không cho trẻ ăn các thức ăn lạnh. Nếu đồ ăn để trong tủ lạnh thì phải để nguội lạnh hoặc hâm nóng trước khi cho trẻ ăn.

Tránh các thức ăn có nhiều chất xơ nhưng lại ít dinh dưỡng như bắp, đậu… dễ gây khó tiêu cho trẻ, khiến trẻ mệt mỏi và lâu bình phục hơn.

Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích hay bánh kẹo, nước ngọt có gas. Những loại thực phẩm này chứa nhiều muối và các chất bảo quản, không có lợi cho sức khỏe và tiến trình phục hồi của trẻ.