19/01/2025 | 18:21 GMT+7, Hà Nội

Các ngân hàng sẽ đồng loạt giảm lãi suất từ 6/3

Cập nhật lúc: 03/03/2023, 18:42

Các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất huy động thêm tối đa khoảng 0,5 điểm % từ ngày 6/3, dẫn đầu là nhóm các ông lớn quốc doanh.

Theo nội dung tại một cuộc họp mới đây đây do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, kể từ 6/3/2023, hệ thống ngân hàng có đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp. 

Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ giảm toàn bộ 0,5 điểm % lãi suất huy động so với bảng lãi suất hiện hành, áp dụng đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

Sắp có đợt giảm lãi suất huy động. Ảnh minh họa 
Sắp có đợt giảm lãi suất huy động. Ảnh minh họa 

Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồmVietcombank, BIDV, Agribank và ViettinBank, mức giảm lãi suất vào khoảng 0,2 điểm % so với mức lãi suất hiện hành tính từ ngày 27/2/2023 với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Trước đó, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, đã đưa ra cảnh báo nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay sẽ dẫn đến sự sụp đổ, phá sản của rất nhiều doanh nghiệp.

Đặc biệt là những doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm đầu ra như các doanh nghiệp bất động sản. Đây cũng là rủi ro lớn nhất của thị trường tài sản hiện nay, cũng như nó có thể tác động đến nhiều ngành nghề trong nền kinh tế.

"Nếu lạm phát không hạ xuống, lãi suất sẽ giữ ở mức cao. Đây là rủi ro lớn nhất trong năm 2023", ông Thế Anh đánh giá.

Theo ông, khi hạ được lãi suất, triển vọng nền kinh tế sẽ tích cực hơn, không chỉ với ngành bất động sản và với tất cả các ngành khác. Ông Thế Anh đánh giá với điều kiện tỷ giá như hiện nay, lãi suất huy động của Việt Nam ở mức 7-8%/năm là phù hợp chứ không phải đến 9-10%/năm. 

Chia sẻ tại hội nghị này tín dụng ngày 28/2, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho hay từ ngày 6/3, lãi suất huy động sẽ giảm theo cam kết của nhiều ngân hàng thương mại. Cách đây 3 tuần, OCB cũng đã bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ một số đối tượng khách hàng doanh nghiệp.

Đại diện nhiều doanh nghiệp có mặt tại buổi đối thoại cho biết họ đang phải chịu áp lực rất lớn từ lãi vay. Chi phí lãi vay cao (15%/năm) đang ăn mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Có các khoản vay được điều chỉnh lãi suất với biên độ rất cao từ 4-5%/năm.

Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng hiện nay phổ biến từ 8,7-9,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Một số ngân hàng vẫn còn niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 9,5%/năm hoặc xấp xỉ 9,5%/năm có thể kể đến BaoVietBank, Kienlongbank, NamABank, PVCombank, SCB, VietABank, DongABank, BacABank.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường cao nhất chỉ ở mức 7,4%/năm. Khi gửi online, hoặc với khách hàng ưu tiên, lãi suất có thể được cộng thêm nhưng cũng chỉ ở mức khoảng 8%/năm.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất niêm yết tại các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn, nhiều ngân hàng niêm yết trên 9%/năm như BacABank, BaoVietBank, DongABank, NCB, OCB, PVCombank, VietABank, NamABank. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, Techcombank,…chỉ niêm yết nhỉnh hơn so với 8%, phổ biến 8,2-8,5%/năm. Thậm chí, ở nhóm Big 4 khi gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng chỉ ở mức 6%/năm.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-ngan-hang-se-dong-loat-giam-lai-suat-tu-63-75859.html