19/01/2025 | 07:17 GMT+7, Hà Nội

Các FTA là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022

Cập nhật lúc: 16/01/2022, 18:39

Việt Nam đã ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA thế hệ mới phát triển thị trường xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, phát triển ngoại thương trong đại dịch.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu (XNK) trong thời gian qua.

Các FTA là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022
Các FTA là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2022

Hiện nay, việc tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) đã được thực hiện hiệu quả hơn. Nhờ đó, kim ngạch XK cả năm 2021 của Việt Nam ước đạt 335,23 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 13,6%. Đứng đầu vẫn là Mỹ với khoảng 91,5 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc khoảng 55,5 tỷ USD, EU 38,2 tỷ USD, ASEAN 27,5 tỷ USD và Nhật Bản, Hàn Quốc với mỗi thị trường khoảng 20 tỷ USD...

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến hoạt động thương mại toàn cầu và xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường thế giới, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhìn nhận lạc quan về cơ hội từ các FTA mang lại.

TS. Lê Huy Khôi (thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công thương) cho rằng, thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa, sẽ có xu hướng chuyển dịch thị trường hàng hóa theo chiều sâu dưới tác động của việc thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và các hiệp định vừa ký kết UKVFTA.

Việc thực hiện cam kết FTA với các nước châu Âu và các khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trở nên đa dạng, cân bằng hơn và đạt hiệu quả tốt hơn.

Xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào GDP của thế giới, đã có một nghiên cứu ước tính nếu GDP thế giới tăng 1%, thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Do vậy, nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm sau, thì XK của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16 - 20%.

Ông Lương Hoàng Thái cũng khá lạc quan đánh giá thị trường xuất khẩu năm 2022 khi cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội đẩy mạnh XK trong năm 2022.

Nguồn: https://congly.vn/cac-fta-la-dong-luc-cho-tang-truong-xuat-khau-nam-2022-202366.html