19/01/2025 | 12:15 GMT+7, Hà Nội

Cá tra hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD

Cập nhật lúc: 28/02/2022, 06:18

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất đạt sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Những tín hiệu tích cực

Được biết, tại ĐBSCL từ 2 tháng cuối năm 2021 đến nay, tình hình sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra đang nóng lên. Người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho biết, sau đại dịch Covid-19, dấu hiệu thị trường phục hồi mạnh.

Xuất khẩu sản phẩm cá tra bắt nhịp tiêu thụ tăng trở lại tại nhiều nước. Hiện tất cả các thị trường xuất khẩu cá tra đang tốt dần lên. Từ đó kéo theo giá cá tra thương phẩm lên mức 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với nửa cuối năm 2021.

Người dân nuôi cá ở Cù Lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho rằng: Hiện còn một số hộ cầm cự duy trì ao nuôi thả cá tra là theo dạng hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Bởi qua 3 năm vất vả, giá cá rớt thấp người nuôi lỗ lã khiến nhiều hộ nuôi cá tự do bên ngoài không có hợp đồng nuôi gia công phải treo ao.

Cá tra hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Ảnh: Đ.H
Cá tra hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Ảnh: Đ.H

Do vậy, khi nhận thấy thị trường giá cá tra thương phẩm nóng lên, các hộ nuôi cá muốn quay lại tìm mua con giống thả nuôi. Tính theo thời điểm này, mức giá cá tra nuôi đạt tốt, đúng cỡ (size) được doanh nghiệp thu mua cao nhất 30.000 đ/kg. Sau khi trừ chi phí, có lãi khoảng 4.000-5.000 đ/kg dù chi phí thức ăn, vật tư đầu vào, nhân công đều đang tăng lên.

Tuần cuối tháng 2 vừa qua, không riêng với cá tra thương phẩm tăng giá, cá tra giống cũng tăng lên 40.000 - 45.000 đồng/kg (loại 30 con/kg), thậm chí có hộ muốn nuôi thả cá ngay, chấp nhận mua 55.000 đồng/kg nhưng cơ sở ương giống cũng không đủ cá tra để bán.

Cần đảm bảo duy trì diện tích vùng nuôi

Theo TS Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định: Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Mỹ,... Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.

Mặt khác, nhìn thực tế từ vùng nuôi cá tra, chúng ta cần phải cẩn trọng trước giá cả tăng đột biến. Bởi vì chúng ta đã phải trả giá rất nhiều từ những năm 2019-2020-2021. Khi thấy giá tăng chạy theo tăng diện tích, tăng sản lượng lại kéo giá giảm xuống.
Ngoài ra, khi tăng diện tích người nuôi không tuân thủ các qui định về mã số cơ sở nuôi, an toàn thực phẩm và các điều kiện khác nên sẽ tiềm ẩn rủi ro. Về nguyên tắc thị trường, nếu giá cá tra ta tăng sẽ có những sản phẩm thay thế, cạnh tranh. Vô hình chung chúng ta sẽ đánh mất thị trường, vì không phải là xây dựng thương hiệu mà là làm cho hình ảnh cá tra trở thành bình thường.

Ông Trần Đình Luân nhấn mạnh: Từ 2 năm qua, khuyến cáo của Bộ NN-PTNT là không mở rộng diện tích vùng nuôi. Chính vì thế các địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chuyển giao và giám sát vùng nuôi. Đặc biệt trong tích hợp quy hoạch kinh tế xã hội giữa các địa phương sẽ đưa những vùng có tiềm năng, lợi thế để phát triển cá tra có hiệu quả hơn.

"Trong xu hướng chuyển đổi số ngành nông nghiệp, ngành hàng cá tra sẽ tiên phong số hóa toàn bộ các cơ sở từ nuôi đến chế biến, công khai minh bạch quản lý đầu vào, đầu ra, cân đối cung-cầu hợp lý, có như thế cá tra mới phát triển ổn định, bền vững", ông Luân nói.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong năm 2021 ở các vùng ĐBSCL đạt trên 5.850ha, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. So sánh diện tích thả nuôi năm 2020 - 2021 có thể thấy diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng 7-8-9/2021 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, diện tích thả nuôi trong các tháng 3 - 6 và tháng 10-11/2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là các tháng trước và sau khi xảy ra giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ĐSBCL. Đặc biệt, từ sau tháng 9/2021, sự tăng trưởng về diện tích cho thấy ngành hàng cá tra đã quay lại nhịp độ sản xuất bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

Kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2021 vẫn duy trì tăng trưởng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt trên 4,8 triệu tấn, tăng 1,1% so với năm 2020, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Có thể xem đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục của ngành hàng cá tra trong năm 2021.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, song hành cùng cơ hội vẫn còn thách thức đặt ra với ngành hàng cá tra trong thời gian tới. Các cơ quan hữu quan ngành thủy sản và đối tác tham gia chuỗi sản xuất cần đánh giá và định hướng người nuôi. Đó là cân bằng cung - cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra.

Sau dịch Covid-19, hoạt động sản xuất tuy phục hồi nhưng dịch bệnh chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho chuỗi cung ứng. Chi phí sản xuất, vận chuyển leo thang, tình hình vận tải biển vẫn cần có giải pháp tích cực, Mặt khác, tại Mỹ lạm phát tăng có thể khiến sức mua giảm nên sức tăng đột biến như năm 2021 khó xảy ra.

Nguồn: https://congluan.vn/ca-tra-huong-den-muc-tieu-kim-ngach-xuat-khau-dat-tren-16-ty-usd-post183405.html