Bộ Xây dựng đề xuất giao dịch bất động sản bắt buộc qua sàn sẽ được đưa vào luật
Cập nhật lúc: 18/09/2022, 13:46
Cập nhật lúc: 18/09/2022, 13:46
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất phải thực hiện qua các sàn giao dịch BĐS theo 2 phương án, gồm:
Phương án 1, chủ đầu tư dự án BĐS khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án BĐS phải thực hiện thông qua sàn giao dịch môi giới BĐS;
Phương án 2, các BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại luật này mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS.
Ngoài ra, tại dự thảo lần này cũng đưa ra những quy định cho dòng sản phẩm căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse); bổ sung quy định về việc điều tiết để bình ổn và bảo đảm sự ổn định, lành mạnh của thị trường.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, về cơ bản, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) được nghiên cứu sửa đổi trên cơ sở kế thừa các nội dung đã được quy định trong Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 về kinh doanh BĐS; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS và quản lý Nhà nước về kinh doanh BĐS. Trong đó, kinh doanh BĐS là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua; thực hiện dịch vụ môi giới, dịch vụ sàn giao dịch; dịch vụ tư vấn và quản lý BĐS...
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã từng lấy ý kiến cho dự thảo đề cương Luật kinh doanh bất động sản(sửa đổi), trong đó có quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua,cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản. Quy định này gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua các sàn giao dịch (theo luật Kinh doanh bất động sản 2006) đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật; tạo ra khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường bất động sản đúng với những gì đang diễn ra, trốn thuế…
Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) từng cho rằng để phát triển thị trường bất động sản minh bạch, vì lợi ích của khách hàng, các quy định pháp luật nên quy định sàn giao dịch trở thành hoạt động có điều kiện, các chủ đầu tư bán bất động sản bắt buộc phải qua sàn.
Việc giao dịch bất động sản bắt buộc và cần thiết phải thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. Khi đó mọi thông tin sẽ được niêm yết, công khai và minh bạch, tính pháp lý sẽ được mang vào giao dịch và sẽ kiểm soát được tình trạng đầu cơ đất.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, nếu sàn giao dịch bất động sản có uy tín, năng lực và cung cấp dịch vụ tốt với giá cả hợp lý thì sẽ được bên cung hoặc bên cầu lựa chọn thuê để thực hiện dịch vụ theo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận, bình đẳng của pháp luật về dân sự và việc trả phí dịch vụ cũng là tự nguyện, tự thỏa thuận theo nhu cầu của các bên. Do vậy, không thể quy định bắt buộc mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản./.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/giao-dich-bat-dong-san-bat-buoc-qua-san-se-duoc-dua-vao-luat-20201231000007420.html