Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân năm 2022 đạt 25,5m2/người
Cập nhật lúc: 19/12/2021, 06:41
Cập nhật lúc: 19/12/2021, 06:41
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân năm 2022 đạt 25,5m2/người
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đình trệ, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề, ngành bất động sản không phải là một ngoại lệ.
Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước, đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
Từ đầu tháng 10/2021, các địa phương gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch đồng thời kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới.
Tại Hội nghị tổng kết kết quả năm 2021 và triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 diễn ra vào ngày 18/, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Trong năm tới, Bộ Xây dựng phấn đấu đưa diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5m2/người. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5-42%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Theo đó, Cục Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan, sẽ tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, các đơn vị này xây dựng kế hoạch triển khai và đôn đốc các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Các đơn vị được giao sẽ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết: Bộ sẽ bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM”, ông Nghị nói.
Giá xây dựng năm 2021 tăng 3,65%
Cũng tại Hội nghị lần này, Bộ Xây dựng cho biết: Trong năm qua, chỉ số giá xây dựng ước tính tăng 3,65% so với năm 2020. Nguyên nhân là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào, như giá thép xây dựng tăng 30-40%, mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường); giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%;...
Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dẫn đến thị trường vật liệu xây dựng, trong nước và xuất khẩu hầu như ngưng trệ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã phải giảm công suất.
Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp.
Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.
Nguồn: https://congluan.vn/bo-xay-dung-dat-muc-tieu-dien-tich-nha-o-binh-quan-nam-2022-dat-255m2-nguoi-post172914.html
15:15, 05/12/2021
10:39, 27/11/2021
13:27, 25/11/2021