20/05/2024 | 06:22 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói gì về việc bắt ông Nguyễn Xuân Sơn?

Cập nhật lúc: 01/08/2015, 06:06

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có những giải đáp tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 31/7.

Về các câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ sau khi cơ quan công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), nguyên Tổng Giám đốc OceanBank; về việc rà soát đánh giá hậu quả đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty; về vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng tại tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho hay:

Đối với chúng ta, công tác cán bộ nói chung và bổ nhiệm cán bộ đã có quy định khá đầy đủ cho từng cán bộ, tổ chức có trách nhiệm được làm gì.

Quy định về quản lý cán bộ cũng đã khá đầy đủ. Để bổ nhiệm cán bộ lên chức vụ như thế cần có quy trình khá chặt chẽ, theo từng bước, từng khâu. Cụ thể như: Nhận xét đánh giá, xem xét điều kiện, thẩm định tiêu chuẩn… đều được công khai minh bạch dân chủ, có ý kiến của từng tổ chức có chức năng quản lý cán bộ.

Ở đây, việc thực hiện quá trình bổ nhiệm đó không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật hay đã có dấu hiệu vi phạm nhưng cố tình làm không đúng thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ. 

Liên quan đến việc tại sao ông Sơn có sai phạm mà vẫn được tháp tùng lãnh đạo đi nước ngoài, đồng thời chứng kiến nhiều cuộc ký kết quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên giải thích: “Cơ quan điều tra nói rằng khi và chỉ khi đủ căn cứ để chứng minh một con người có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết, và khi ông Sơn tháp tùng lãnh đạo ra nước ngoài thì chưa phát hiện ra sai phạm của ông Sơn”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2015.

Trong các khâu bổ nhiệm, quan trọng hàng đầu là công tác đánh giá cán bộ (về năng lực, đạo đức…) và đây chính là khâu khó nhất trong các khâu.

Quan điểm của Chính phủ là một người có hành vi vi phạm pháp luật ở cương vị nào cũng đều xử lý nghiêm minh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Bắt nguồn từ vụ Hà Văn Thắm, điều tra mở rộng phát hiện ra ông Sơn có 2 tội trong thời gian làm việc ở Oceanbank là cố ý làm trái, vi phạm các nguyên tắc, cụ thể sai phạm thế nào cơ quan điều tra sẽ xác định, tìm ra khâu nào ta còn yếu kém. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện cơ chế cán bộ ngày càng chặt chẽ hiệu quả hơn.

Còn về vụ việc ở Hải Dương ngày 10/7, nghe tin ở Hải Dương có vụ xe máy xúc chèn người, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay lập tức, xem xét đánh giá lại tình hình, đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương xử lý nhanh chóng nhất. Sau đó, UBND tỉnh Hải Dương có báo cáo sơ bộ bước đầu với Chính phủ.

Sau khi đối chiếu 3 nguồn thông tin, một là từ người dân (tức là dư luận xã hội), một từ chủ đầu tư VSIP, một thông tin báo cáo từ UBND tỉnh, có một số tình tiết không giống nhau.

Do đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xem xét kỹ để kết luận. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh, đồng thời giải quyết các tranh chấp thỏa đáng, sớm ổn định tình hình, đưa các hoạt động bình thường trở lại. Được biết, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo, thực hiện vấn đề này.

Bộ trưởng nói thêm, thực tế đây là câu chuyện xảy giữa người lái máy xúc và người dân cản máy xúc không cho vào khu công nghiệp, khi chủ đầu tư VSIP thuê một công ty mang xe đến làm, lúc đó không có các cơ quan chính quyền, do đó các tình tiết chưa xác minh được.

Nhưng Chính phủ chỉ đạo rõ ràng nếu có vi phạm xử lý nghiêm minh, vi phạm đến đâu xử lý đến đó./.

Tối 21/7, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) về tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tối cùng ngày, cơ quan điều tra đã thực hiện khám xét nhà riêng ông Nguyễn Xuân Sơn tại khu D2, khu đô thị Ciputra, Hà Nội.
 
Quyết định trên được Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn. Tờ Lao động cho hay: Cựu Chủ tịch Tập đoàn PVN - Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi: Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Những thông tin ban đầu cho biết: Ông Nguyễn Xuân Sơn bị tình nghi có sai phạm trong giai đoạn giữ chức Phó Tổng giám đốc PVN - Tổng giám đốc Ngân hàng OCean Bank, đã để mất nguồn vốn 800 tỉ mà PVN đầu tư vào Ocean Bank.