19/01/2025 | 09:33 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Giao thông: "Hành khách đến sân bay Vân Đồn sẽ có những trải nghiệm tốt"

Cập nhật lúc: 25/01/2019, 22:31

Chúng tôi cũng kỳ vọng sân bay này cũng sẽ từng bước trở thành sân bay trọng điểm của quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của sân bay Vân Đồn trong hạ tầng giao thông quốc gia?

Sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động đã góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông quốc gia, đặc biệt là khu vực phía Bắc.

 

Như chúng ta biết, cả nước có 21 sân bay, mỗi sân bay mang đặc thù riêng. Ở khu vực Đông Bắc hiện đã có sân bay Cát Bi - Hải Phòng. Theo tính toán trong 5-10 năm tới, sân bay này sẽ quá tải bởi vì khi chúng ta có kế hoạch mở rộng thì có thể chúng ta sẽ phải di dời sân bay này vì nó nằm trong khu vực dân cư.

Trong khi đó, Hạ Long là một kỳ quan của thế giới – là nơi không chỉ khách trong nước mà ngay cả du khách quốc tế cũng muốn ghé qua. Nếu đi bằng đường hàng không thì du khách chỉ có một lựa chọn duy nhất là đến Cát Bi. Bây giờ khách sẽ có thêm lựa chọn khác là sân bay Vân Đồn.

 

Như vậy, sân bay Vân Đồn góp phần tạo cơ hội thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan thắng cảnh Hạ Long.

Hiện nay, UBND Quảng Ninh đã có chính sách ưu đãi cho hành khách đến với Vân Đồn, trong đó có dịch vụ di chuyển miễn phí từ Vân Đồn đến Hạ Long và miễn phí vé tham quan đến một số điểm. Ưu đãi tốt như vậy chắc chắn sẽ thu hút lượng lớn du khách đến Hạ Long thông qua sân bay Vân Đồn.

Ấn tượng của ông về sân bay Vân Đồn là gì?

Đây là một sân bay mới hiện đại nhất nhì Việt Nam. Đường băng dài 3.600m có thể nói dài nhất Việt Nam, chiều rộng lên tới 60m. Một sân bay hiện đại như vậy sẽ góp phần rất lớn tạo thuận lợi cho hành khách đến với Quảng Ninh và đến với vùng Đông Bắc tổ quốc.

 

Ông đánh giá thế nào về cách làm của Quảng Ninh trong việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông?

Đây là một mô hình rất tốt. Chúng tôi khuyến khích các DN tư nhân nghiên cứu, đề xuất và tham gia vào các dự án hạ tầng.

Sân bay Vân Đồn huy động 100% vốn tư nhân. Cách làm này  có thể nhân rộng ra nhiều công trình khác và mô hình này rất cần được khuyến khích. Có như thế thì chúng ta mới giảm được nợ công, đầu tư công và khai thác được hiệu quả nguồn vốn xã hội, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông tốt hơn.

Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo chủ trương xã hội hóa đầu tư, cho thấy sự năng động của chính quyền khi quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, sâu sát với doanh nghiệp.  

Các địa phương khác có thể tham khảo gì ở Quảng Ninh trong cách làm, thưa ông?

Về xã hội hóa, nhà nước có thể làm một phần để chia sẻ với doanh nghiệp. Như Quảng Ninh, họ đã chủ động giải phóng mặt bằng, giải quyết phần việc khó nhất cho DN. Khi đã có mặt bằng sạch thì họ mời gọi nhà đầu tư vào, lúc này các nhà đầu tư có thể chủ động được kế hoạch, chủ động được thời gian và bố trí công trình hoàn thành vừa đảm bảo tiến độ và chất lượng. Cách làm này góp phần nâng cao hiệu quả cho DN.

 

Quảng Ninh còn làm rất tốt khâu quy hoạch để phát huy tiềm năng, thế mạnh. Nhà đầu tư họ nhìn vào thấy được cả bức tranh tổng thể. Ví dụ đường cao tốc, sân bay khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp thế nào cho Quảng Ninh? Đồng thời, nhà đầu tư cũng thấy được lợi ích, hiệu quả của cả cụm công trình. Có như vậy nhà đầu tư mới sẵn sàng vào cuộc.

Trong 5 năm trở lại đây, đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư vào hạ tầng theo mô hình xã hội hóa thì Quảng Ninh là một trong những tỉnh làm tốt nhất hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của nhà đầu tư?

Sun Group là một trong những tập đoàn lớn, đang quản lý nhiều dự án rất hiệu quả như  Sun World Ba Na Hills,  Sun World Fansipan Legend.

 

Với một tập đoàn đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án quy mô như vậy, chúng tôi cho rằng trong lĩnh vực nào họ cũng sẽ làm rất bài bản. Chúng tôi đánh giá sân bay Vân Đồn với hệ thống trang thiết bị đều đạt chuẩn tốt nhất hiện nay. Hành khách đến đây sẽ có trải nghiệm dịch vụ tốt.

Chúng tôi cũng kỳ vọng sân bay này cũng sẽ từng bước trở thành sân bay trọng điểm của quốc gia.