19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế đăng ký hiến toàn bộ tạng sau khi qua đời

Cập nhật lúc: 27/10/2015, 13:58

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là chính khách đầu tiên tại Việt Nam đăng ký hiến mô, tạng. Bà chia sẻ đây chính là cách để tiếp tục 'sống" sau khi qua đời.

Tối ngày 26/10/2015 trong Chương trình truyền hình trực tiếp: “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não, từ năm 2013.

"Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi.Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người"-bà chia sẻ.

Nữ Bộ trưởng nói rằng: "Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời".

Bà cũng chính là chính khách đầu tiên tại Việt Nam tiết lộ việc đã đăng ký hiến mô, tạng. 

Bộ trưởng Bộ Y tế ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng. Ảnh chụp từ video

Bộ trưởng Bộ Y tế ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng. Ảnh chụp từ video

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục.

Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.

Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm.

Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.Bộ trưởng Tiến cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca.

Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi...

Bản đăng ký hiến tạng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TL.

Bản đăng ký hiến tạng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TL.

Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người, nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp. Có thể thấy khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.

Tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn thể ngành y tế, mọi cá nhân trong cả nước hưởng ứng và tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để giúp cứu chữa tận cùng những bệnh nhân suy mô, tạng đang mỏi mòn chờ được trao tặng sự sống.