19/01/2025 | 09:30 GMT+7, Hà Nội

Bộ GD&ĐT chỉnh phổ điểm, hàng nghìn thí sinh bị điểm liệt môn Toán, Văn

Cập nhật lúc: 25/07/2015, 09:06

Chiều 24/7, Bộ GD-ĐT vừa điều chỉnh lại đồ họa phổ điểm môn Toán và Ngữ văn do bị lỗi. Kết quả điều chỉnh cho thấy có gần 40.000 thí sinh bị điểm liệt môn Toán và hàng nghìn thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ văn.

Lỗi xuất hiện ở phần thể hiện số lượng thí sinh tại các dải điểm, còn các giá trị về số liệu vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, điều này cũng khiến số lượng thí sinh ở các dải điểm thay đổi. Theo đồ thị mới, có 5.410 thí sinh bị điểm 0, hơn 6.600 thí sinh đạt 0,5 điểm và gần 8.600 thí sinh bị điểm 1. 

Đồ thị phổ điểm môn Toán đã điều chỉnh.

Đồ thị phổ điểm môn Toán đã điều chỉnh.

Trong khi đó, tổng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ là 86 em.Ở dải điểm từ 0 đến 1 (mức điểm liệt), Bộ Giáo dục không thể hiện số lượng thí sinh được 0,25 và 0,75 điểm. Vì vậy, trên thực tế số lượng thí sinh bị điểm liệt phải cao hơn nhiều con số hơn 20.000 hiển thị trên đồ thị. 

Đồ thị phổ điểm môn Văn đã được điều chỉnh.

Đồ thị phổ điểm môn Văn đã được điều chỉnh.

Tổng số em bị điểm liệt theo đồ thị là hơn 960. Tuy nhiên nếu tính số thí sinh được 0,25 và 0,75 thì con số này sẽ tăng lên đáng kể.Đối với môn Ngữ văn, số lượng thí sinh ở các dải điểm cũng được điều chỉnh trên đồ thị cho chính xác. Số thí sinh bị điểm 0 là 423, mức 0,5 điểm là 192 và mức 1 điểm là 349.

Ở môn Ngữ văn, có 11 thí sinh đạt điểm 9,5 và 7 em đạt 9,75, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp cả nước là 91,58%, có hơn 68.700 em bị trượt. Với cách tính điểm xét tốt nghiệp là lấy điểm thi THPT quốc gia cộng với điểm trung bình năm lớp 12 chia đôi, cộng với điểm ưu tiên thì việc thí sinh đỗ tốt nghiệp khá đơn giản, chủ yếu là tránh dính điểm liệt.

Theo nhận định của Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp thấp hơn năm 2014 gần 6%, cho thấy sát hơn với chất lượng giáo dục. 

Năm nay, điểm thi vừa để xét tốt nghiệp và đại học nên hạn chế tình trạng học sinh giúp đỡ nhau. Đề thi có tính chất mở, yêu cầu đánh giá năng lực chứ không đòi hỏi kiến thức máy móc. Học sinh đạt được kết quả này, chúng tôi đánh giá là tốt.

Bất ngờ với phổ điểm môn Toán và Ngoại ngữ

Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, trong nhiều năm qua ở cả kì thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ thì chưa thấy xuất hiện một phổ điểm “lạ” như môn Toán. Sau khi rơi vào vùng phổ điểm trung bình là 5-7 thì đáng lẽ điểm sẽ giảm dần về tiệm cận điểm 10.

Tuy nhiên với phổ điểm công bố, khi đường cong giảm dần xuống mức 8,5 thì bất ngờ lại tăng lên đột ngột ở mức 9,0 rồi mới rơi xuống. Qua đây cho thấy có khả năng xuất hiện sự bất thường trong công tác ra đề hoặc tổ chức coi thi ở một cụm thi nào đó chưa tốt.

Để minh bạch vấn đề này Bộ GD-ĐT nên công bố phổ điểm môn thi của từng cụm thi. Trên cơ sở vùng phổ điểm của từng cụm Bộ GD-ĐT cũng sẽ rút được kinh nghiệm trong khâu tổ chức tránh những tiêu cực không đáng có. Bên cạnh đó cũng là cơ sở để cho các trường ĐH, CĐ đánh giá khả năng nghiêm túc ở từng cụm thi do ĐH chủ trì.

Bộ GD-ĐT từng khẳng định, đề thi THPT quốc gia có khoảng 60 % câu hỏi cơ bản và 40% câu hỏi phân hóa. Nếu như các môn thi khác thể hiện được khá rõ nét chủ trương này thì ở môn Ngoại ngữ lại hoàn toàn trái ngược.

Vùng phổ điểm chủ yếu của môn Ngoại ngữ lại rơi vào vùng 2-3,5 điểm, trong khi vùng mức điểm trung bình 5-6 lại rất thấp. Không ít người cho rằng với cách dạy và học ngoại ngữ hiện nay việc điểm môn thi này có kết quả như vậy là điều bình thường.

Tuy nhiên, nhìn lại phổ điểm ở kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2014 cho thấy có sự “xáo trộn” rất lớn ở môn thi này trong khi cách thức thi vẫn không có sự thay đổi. Bên cạnh đó, hầu hết thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ thuộc những vùng thuận lợi bởi vùng khó khăn được phép chọn môn thi thay thế.

Không quy tròn điểm thi THPT quốc gia

Cụ thể, đối với môn thi tự luận, Bộ GD-ĐT quy định, chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GDĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Bài thi trắc nghiệm, tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Do đó tổng số điểm của mỗi bài không cần phải làm tròn.

Từ 2014 trở về trước tổng số điểm của 3 môn được làm tròn đến mức 0,5 điểm, và điểm chuẩn cũng được tính theo bước cách nhau 0,5 điểm.Năm nay, để giảm số lượng thí sinh trùng điểm gây khó khăn cho việc xác định điểm chuẩn, nên các trường sẽ không làm tròn tổng số điểm của 3 môn nữa và điểm chuẩn được tính theo bước cách nhau 0,25 điểm.

Đạt 5 điểm thi trở lên được bảo lưu

Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật huỷ kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không có điểm bảo lưu.

Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng điểm bảo lưu trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh./.