22/11/2024 | 08:57 GMT+7, Hà Nội

Bộ GD-ĐT lý giải về nghi vấn lọt đề thi

Cập nhật lúc: 29/06/2018, 11:01

“Đề thi các môn Vật lý, Lịch sử, Hóa học được đưa ra ngoài sau khi thời gian các môn thi này đã kết thúc. Như vậy là lọt đề, chứ không phải lộ đề”. Đó là trả lời của đại diện Bộ GD-ĐT tại buổi họp báo tổng kết công tác thi THPT quốc gia 2018.

Không có chuyện lọt đề

Theo đó, trước nghi vấn đề thi môn Vật lý, Lịch sử, Hóa học bị đưa ra ngoài khi chưa kết thúc thời gian làm bài thi tổ hợp được, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết đây không phải là lộ đề.

“Đề thi các môn Vật lý, Lịch sử, Hóa học được đưa ra ngoài sau khi thời gian các môn thi này đã kết thúc. Như vậy là lọt đề, chứ không phải lộ đề”.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT. Ảnh Ngô Chuyên.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trinh cho biết thêm, theo điểm B khoản 4 điều 14 quy định tuyển sinh được phép mang vào phòng các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, có chức năng thu chứ không có chức năng phát.

“Quy định này xuất phát từ thực tiễn nhằm tăng cường giám sát thí sinh và cán bộ. Và có thể nguyên nhân lọt đề là do lý do này. Bởi các thí sinh tự do, sau khi hoàn thành xong bài thi thành phần có thể ra ngoài nên đề thi có thể ra theo nguồn đó”, ông Trinh nói.

Đề cập đến vấn đề xem xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh vùng lũ Hà Giang, Lai Châu không thể đến điểm thi do mưa lũ, ông Mai Văn Trinh cho biết: “Có tất cả 13 thí sinh nằm trong trường hợp này, trong đó Lai Châu có 9 em, Hà Giang có 4 em. 13 thí sinh này chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp, không có em nào đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng”.

Những trường hợp bất thường này sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp dựa trên đề xuất của ban chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Ban chỉ đạo thi cấp Bộ sẽ có phương án chỉ đạo vừa đảm bảo quy chế, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. “Các Sở sẽ thành lập hội đồng để xét duyệt và báo cáo lên Bộ”, ông Trinh nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo tổng kết, phóng viên có đề cập đến vấn đề đề thi khó, GS Toán học cũng khó có thể làm xong trong 60 phút, ông Sái Công Hồng cho hay: “Đề thi có cấu trúc không thay đổi so với năm ngoái, 60% cơ bản, 40% năm nâng cao, nhưng vẫn nằm trong chương trình lớp 11 và 12”.

Lý giải đề khó

Nói về đề thi môn Ngữ văn, ra bằng hình thức tự luận, ông Sái Công Hồng cho hay: “Đề thi được ra từ dễ đến khó. Dễ nhất là nhận biết, hiểu văn bản liệt kê trả lời là văn bản đến thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.

Ông Sái Công Hồng. Ảnh Ngô Chuyên.Ông Sái Công Hồng. Ảnh Ngô Chuyên.

Ông Sái Công Hồng. Ảnh Ngô Chuyên.Ông Sái Công Hồng. Ảnh Ngô Chuyên.

“Các đề thi trắc nghiệm cũng như năm trước, các câu hỏi dễ được tạo thành nhóm dễ lên trước giúp các em có thể làm từ dễ đến khó”, ông Sái Công Hồng nói.

Bên cạnh đó, ông Sái Công Hồng cũng cho biết thêm, đề thi năm 2018 phải được tăng cường độ khó. Nhưng vẫn có những câu rất dễ rồi mới đến những câu khó, để tăng cường độ phân loại đối với các thí sinh. Không phải tất cả đề thi khó mà có những câu hỏi phân loại đề thi khó.

“50-60% là câu hỏi cơ bản, học sinh trung bình cũng làm được”, ông Sái Công Hồng nhấn mạnh.

So sánh về độ khó của đề thi năm nay và đề thi năm ngoái, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, nội dung độ khó tăng lên bởi mở rộng kiến thức thì độ khó đề thi tăng lên.

Bên cạnh đó, năm 2017, Bộ GD-ĐT công bố 3 đề thi: minh họa, thử nghiệm, tham khảo, học sinh được tập luyện nhiều hơn. Còn năm 2018, các em chỉ được công bố đề thi tham khảo.

Đối với đề thi môn Ngữ văn cũng có các câu hỏi chia ra các cấp độ từ nhận biết, vận dụng, vận dụng cao thì độ khó sẽ cao. Nhiều năm nay, đề thi môn Ngữ văn đã ra đề mở, chắc chắn đề mở thì ra đáp án mở.

“Chúng tôi sẽ cung cấp đáp án của đề Ngữ văn. Còn Ban ra đề văn ra 2 tác phẩm 11 và 12, như vậy ban ra đề văn đã đáp ứng được yêu cầu. Câu hỏi số 2 là hoàn toàn chính xác”, ông Sái Công Hồng nói.