20/04/2024 | 04:27 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công Thương: “Nhập siêu chưa đáng lo ngại”

Cập nhật lúc: 18/06/2021, 10:38

Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Mặc dù cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2021, đang nhập siêu tới 473 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa đáng lo ngại.

Chiều 17/6, tại cuộc họp báo Thường kỳ tháng 5/2021 và 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ này cho biết, trong tháng 5/2021, Việt Nam nhập siêu 2,07 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu, khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 473 triệu USD.

Trao đổi riêng với PV, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Cùng thời điểm này năm ngoái, cán cân thương mại thiên về hướng xuất siêu, với giá trị là 3,87 triệu USD. Như vậy, chỉ trong 1 năm, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển từ xuất siêu, sang nhập siêu.

Tuy nhiên, ông Thắng Hải đánh giá: Mức nhập siêu 473 triệu USD, trong 5 tháng đầu năm 2021 không đáng lo ngại và vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Mặc dù cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2021, đang nhập siêu tới 473 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa đáng lo ngại.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Mặc dù cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2021, đang nhập siêu tới 473 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa đáng lo ngại.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Thắng nói: “90% giá trị nhập siêu trong thời gian qua là hàng hóa phục vụ cho công tác chống dịch, và hàng hóa phục cho việc sản xuất, xuất khẩu. Do đó, con số 473 triệu USD tuy có cao, nhưng không đáng lo ngại”.

Ông Đỗ Thắng Hải dự báo: Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc trong thời gian tới, nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do FTA như CPTPP, EVFTA, UKFTA;... bắt đầu có hiệu lực.

Các Hiệp định FTA sẽ là điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với mức thuế ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đồng thời, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, như dệt may, da giầy hay nông sản. 

Bên cạnh đó, Mỹ và các nước châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc-xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang tăng trở lại. Tất cả các yếu tố này sẽ là động lực để Việt Nam thoát khỏi giai đoạn nhập siêu.

Ông Đỗ Thắng Hải lưu ý: Dù có nhiều tiềm năng thoát khỏi nhập siêu, thế nhưng, tại thời điểm này, Việt Nam vẫn đang phải hứng chịu các tác động của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4. Đặc biệt, các tỉnh chịu ảnh hưởng đều là “đầu tàu” kinh tế, sản xuất công nghiệp của cả nước. 

Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là tại khu vực châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan hay Thái Lan vẫn đang chịu thiệt hại do các đợt bùng phát dịch bệnh, khiến người dân thắt chặt chi tiêu, Chính phủ cũng hạn chế giao thương thương mại, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Trước những khó khăn trên, ông Hải đề nghị các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như tăng khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn.

Nguồn: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-nhap-sieu-chua-dang-lo-ngai-post139497.html