21/11/2024 | 17:52 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công Thương lưu ý về việc tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Cập nhật lúc: 31/05/2021, 06:15

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương vừa đưa ra những lưu ý đối với hoạt động tham gia bán hàng đa cấp, từ đó đưa ra cảnh báo để người dân không bị mắc "bẫy" của các công ty đa cấp trái phép.

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh được pháp luật thừa nhận và cần phải được đăng ký theo quy định. Khi tham gia vào những doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, có ràng buộc pháp lý rõ ràng, được đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp, được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đối tượng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn cố tình thực hiện dụ dỗ và lôi kéo người tham gia. Đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này là không có ràng buộc pháp lý rõ ràng, không chú trọng vào bán hàng hóa, dịch vụ mà chỉ tập trung vào tuyển dụng người tham gia, nhà đầu tư tuyến dưới để được hưởng hoa hồng theo phương thức đa cấp (như mô hình Ponzi).

Kinh doanh đa cấp
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hoạt động kinh doanh đa cấp không được cấp phép là trái pháp luật và có thể bị xử lý theo Bộ Luật hình sự. Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân cần lưu ý những điều sau đây để tránh rơi vào "bẫy" của các công ty đa cấp biến tướng lừa đảo.

Thứ nhất, cần phải xác nhận doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đó đã được cấp giấy phép hay chưa.

Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP).

Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (danh sách các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn, hiện nay là 22 doanh nghiệp).

Các tổ chức hay doanh nghiệp khác (không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Thứ hai, lưu ý trong các giao dịch đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đã được cấp giấy chứng nhận.

Người dân cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp để có sự ràng buộc về pháp lý, dựa vào đó để làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. 

Trong tất cả quá trình hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa, người tham gia cần xác định rõ đối tượng giao dịch với mình là doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chứ không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác (kể cả các cá nhân là nhân viên, quản lý của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp).

Thứ ba, lưu ý các biểu hiện về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như sau:

- Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nếu không nộp các khoản phí này thì người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng kinh doanh đa cấp với với doanh nghiệp;

- Hoạt động của doanh nghiệp chỉ tập chung vào việc tuyển dụng người tham gia không chú trọng vào công việc bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Nên các doanh nghiệp này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

- Thông qua nhân viên, đào tạo viên, nhà phân phối tuyến trên, doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối hoặc thổi phồng về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp. Họ chỉ tập trung giới thiệu vào các khoản hoa hồng như: Cho xem hình chụp số dư tài khoản, giao dịch chuyển khoản tiền giá trị cao vài chục hoặc vài trăm triệu, hoặc giới thiệu chỉ cần đầu tư một vài tháng là có thu nhập khủng vài chục triệu hay ngàn đô tháng, đổi đời nhanh chóng và hưởng các du lịch các nước…

Thứ tư, kịp thời cung cấp dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp cho cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình tham gia hoặc theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia kinh doanh đa xâo hãy biết cách lưu giữ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp để cung cấp cho cơ quan chức năng (Cục CT&BVNTD hoặc các Sở Công Thương địa phương) xử lý và đòi quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-cong-thuong-luu-y-ve-viec-ban-hang-da-cap-tai-viet-nam-20201231000002450.html