19/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công Thương lập \"chợ\" online, tăng cường gian hàng lưu động

Cập nhật lúc: 09/07/2021, 07:00

Nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho TP.HCM trong giai đoạn giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đã tăng cường các gian hàng lưu động, đồng thời thành lập "chợ" online trên sàn thương mại điện tử.

Giá lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh TP.HCM tăng gấp đôi

Trong ngày 8/7, ngày cuối trước khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh như chợ Bình Chánh (huyện Bình Chánh), chợ Tân Mỹ (quận 7);...đã tăng chóng mặt.

Cụ thể, một số loại rau xanh đã tăng 50% - 60%, thậm chí có một số mặt hàng như rau cải xanh, cải ngọt tăng gấp đôi, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg lên 30.000 - 40.000 đồng/kg. Xà-lách cũng tăng lên ngưỡng 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg;...

Giá lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh TP.HCM tăng gấp đôi.
Giá lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh TP.HCM tăng gấp đôi.

Tương tự, giá các loại thịt, hải sản cũng tăng tương ứng. Trong đó, lợn ba rọi hiện có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg so với hồi đầu tuần; tôm tăng từ 200.000 đồng/kg lên 230.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg;...

Trong khi đó, tại các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn TP.HCM, từ hôm qua (7/7) đã xuất hiện tình trạng người dân đi tích trữ hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm “sạch kệ”.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thừa nhận có hiện tượng người dân TP.HCM đổ xô đi mua hàng.

Tuy nhiên, ông Đông cho biết: Công tác dự trữ hàng hóa ở TP.HCM hoàn toàn đảm bảo để cung cấp cho tiêu dùng của người dân. Do đó, ông Đông kiến nghị Sở Công Thương TP.HCM có thông tin khuyến cáo với người dân về việc hàng hóa dồi dào, không thiếu và không cần phải tích trữ. 

Bộ Công Thương: Sẽ có các gian hàng tự động, và chợ online

Chiều 8/7, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc cũng đã có hàng loạt văn bản việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch Covid-19.

Cụ thể, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP.HCM về việc tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện tình trạng người dân đi tích trữ hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm “sạch kệ”.
Các siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện tình trạng người dân đi tích trữ hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm “sạch kệ”.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với TP.HCM thiết lập các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa thiết yếu có kiểm soát an toàn dịch bệnh để thay thế các chợ đầu mối và các điểm trung chuyển đã bị đóng cửa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa cho người dân trong các khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng.

"Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, kịp thời về năng lực cung ứng hàng hóa, các chương trình, địa điểm bán hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp để ổn định tâm lý của người dân; công bố công khai, kịp thời các điểm bán hàng thiết yếu, các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa cho người dân và các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu để biết và thực hiện việc mua bán hàng hóa", ông Hải nói.

Cùng ngày, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử để mở các gian hàng bán lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu trên các sàn.

Cục Thương mại điện tử cho biết: Với lợi thế của thương mại điện tử, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống. 

Ngoài ra, khi mua hàng thông qua thương mại điện tử, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng chống dịch, với các Sàn thương mại điện tử uy tín người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua. 

"Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định.

Trong khi đó, Vụ thị trường trong nước cho biết: Bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu đông dân cư, kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Đồng thời, Vụ cũng đã có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa  để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.

Nguồn: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-lap-cho-online-tang-cuong-gian-hang-luu-dong-post143371.html