19/01/2025 | 09:29 GMT+7, Hà Nội

Blockchain - Từ khóa của năm

Cập nhật lúc: 25/01/2019, 21:30

Blockchain được đánh giá là công nghệ chìa khóa dẫn dắt cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Năm 2018 là năm bùng nổ của công nghệ 10 năm tuổi nhưng còn rất non trẻ này khi từ khóa "blockchain" xuất hiện khắp mọi nơi.

Từ các Chính phủ, tới các công ty đa quốc gia

Châu Âu thành lập liên minh blockchain, châu Á và Trung Đông tích cực đẩy mạnh blockchain, các tập đoàn đa quốc gia ứng dụng blockchain vào hoạt động sản xuất kinh doanh...

Theo khảo sát của IBM, có 9 trên 10 các cơ quan nhà nước trên thế giới được hỏi thừa nhận có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới.

Nga chính là một trong số những nước lớn trên thế giới tỏ ra rất năng động với blockchain. Đất nước có diện tích lớn nhất thế giới tiếp tục thể hiện sự đi đầu trong việc tiếp cận blockchain bằng việc chính thức hoàn thành triển khai công nghệ blockchain ở cấp chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại “Diễn đàn Blockchain 2018”. Nguồn: VTVÔng Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại “Diễn đàn Blockchain 2018”. Nguồn: VTV

Dubai - một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tiên phong áp dụng công nghệ này để vận hành cả bộ máy Chính phủ vào năm 2020. Chính quyền Dubai muốn tạo ra một hệ thống minh bạch hơn cho quy trình đất nước này, cũng như thanh toán thời gian thực giữa các cơ quan chính quyền. Trước đó, ở đất nước này cần đến 45 ngày để hoàn thành bất cứ hoạt động nào.

Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 5 nghìn tỷ won (4,4 tỷ USD) cho chương trình “Phát triển thông qua Cải tiến” vào 8 phân khúc công nghệ quan trọng, trong đó có AI và Blockchain. Hàn Quốc có tham vọng biến thành phố Busan trở thành “thung lũng blockchain”. Trung Quốc cũng để lộ ý tưởng thành lập một “Trung tâm Phát triển Đầu tư Blockchain Quốc tế” tại nước này để thiết lập ra các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp blockchain tương lai.

Ở Bắc Mỹ và châu Âu, hiện có 90% ngân hàng lớn đang nghiên cứu và ứng dụng blockchain và trong 4 năm tới, khoảng 66% các ngân hàng trên thế giới sẽ ứng dụng blockchain để mở rộng dịch vụ thanh toán di động. Các quốc gia tại châu Âu đang tích cực triển khai ứng dụng blockchain như: Ukraine sẽ dùng blockchain để quản lý việc đăng ký đất nông nghiệp do hệ thống hiện tại có nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng để lừa đảo hoặc dẫn đến tranh chấp về quyền sở hữu. Thụy Điển cũng đang thử nghiệm việc quản lý đất đai dựa trên blockchain.

Blockchain- chìa khoá dẫn dắt CMCN 4.0. Nguồn: Palette

Blockchain- chìa khoá dẫn dắt CMCN 4.0. Nguồn: Palette

Tính ứng dụng của blockchain trải rộng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. hàng loạt các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bắt tay đưa công nghệ này vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Walmart - gã khổng lồ bán lẻ của Mỹ là một trong những doanh nghiệp tiên phong sử dụng blockchain. Doanh nghiệp này đã sử dụng công nghệ blockchain từ năm 2016 để theo dõi nguồn thịt lợn nhập từ Trung Quốc đến Mỹ.

Gã khổng lồ công nghệ IBM đã xây dựng hẳn 1 bộ phận chuyên về blockchain để triển khai công nghệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sử dụng nền tảng blockchain của chính mình mang tên Hyperledger, IBM đang làm việc với các đối tác như Walmart để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, giúp Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thu thập thông tin trong quá trình nghiên cứu lâm sàng các loại thuốc mới.

Hãng hàng không British Airways của Anh cũng đang cùng nhiều đơn vị khác ứng dụng blockchain nhằm chia sẻ thông tin hiệu quả hơn, tăng tốc độ và tính chính xác của việc đồng bộ hóa và chia sẻ thông tin không lưu. Từ đó, đảm bảo mọi thông tin về tàu bay, chuyến bay, phi hành đoàn, hành khách và dịch vụ mặt đất được lưu trữ, chia sẻ một cách thống nhất, chính xác nhất có thể.

Hãng vận tải biển Maersk đã phối hợp cùng IBM để phát triển giải pháp hiệu quả và bảo mật nhằm cải thiện hoạt động giao thương toàn cầu nhờ công nghệ blockchain. Công nghệ này sẽ giúp Maersk và các đối tác dễ dàng truy vết hàng hóa xuyên biên giới một cách hiệu quả và minh bạch.

“Trong vài thập kỷ tới, đây sẽ là ngành tạo ra 1 cuộc cách mạng như những gì internet đã làm. Sẽ có hàng triệu người, nếu không muốn nói là hàng chục triệu người làm việc trong ngành này”, Antonis Polemitis- Giám đốc đào tạo blockchain của ĐH Nicosia, Síp.

Việt Nam trước cơ hội dẫn đầu

Ở Việt Nam, dịch vụ tài chính là một trong những lĩnh vực được áp dụng công nghệ blockchain rộng rãi nhất với 83%, sau đó là chuỗi cung ứng (40%) và dịch vụ công cộng (30%). Theo ước tính của Công ty Distributed Credit Chain (DCC) Việt Nam, cả nước hiện có hơn 100 công ty công nghệ và 5.000 lập trình viên đang phát triển các sản phẩm dựa trên nền tảng blockchain.

Phát biểu tại “Diễn đàn blockchain 2018” được tổ thức vào tháng 6/2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, cuộc CMCN 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới, tạo ra những sự tác động mạnh mẽ ngày một gia tăng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất. Trong số các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, công nghệ blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt CMCN 4.0 trong một vài thập kỷ tới.

Công nghệ blockchain sẽ đi vào cuộc sống rất sớm. Việc sớm nghiên cứu và áp dụng công nghệ này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Trong số các nguy cơ và thách thức mà blockchain đang đối mặt, các doanh nghiệp khi muốn áp dụng blockchain cần trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh, và nhân lực sẵn sàng đối mặt với sự phát triển của nền kinh tế, tài chính và công nghệ trong một tương lai không xa.

Thị trường Việt Nam có 3 yếu tố khiến ngành công nghiệp blockchain hấp dẫn. Đầu tiên, lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ, tiềm năng để phát triển rất lớn. Thứ hai, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, cởi mở với các công nghệ mới. Thứ ba, Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ thuật, lập trình và các nhà phát triển công nghệ khá đông với chất lượng tốt và mức lương cạnh tranh. Các yếu tố trên có thể khiến Việt Nam trở thành một trong những nhà dẫn đầu cuộc chơi blockchain trong một vài năm tới.

Sẽ đến lúc CMCN 4.0 thành công, ở đó, máy móc sẽ vận hành thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, IoT ghi lại các hoạt động của con người, AI học cách suy nghĩ giống con người. Xã hội sẽ ngày càng phát triển, và chúng ta sẽ phải thích nghi hơn với công nghệ mới này, nếu không sẽ bị tụt hậu lại phía sau. Và chắc chắn một điều, từ khóa “blockchain” sẽ còn rất nóng trong những năm tới.