"Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế"
Cập nhật lúc: 09/05/2020, 17:00
Cập nhật lúc: 09/05/2020, 17:00
Tại Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" diễn ra sáng 9/5, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) đã có chia sẻ, báo cáo về các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đã gửi báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên 100 sáng kiến và kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp.
Cách đây hơn 3 tuần, Thủ tướng đã có một quyết định quan trọng và rất khó khăn, là dỡ bỏ về cơ bản các biện pháp cách ly, mở cửa lại thị trường trong nước. Với quyết định này của Thủ tướng, tình hình các doanh nghiệp và nền kinh tế đã đang chuyển biến rất nhanh theo chiều hướng tích cực.
Ông Lộc cho rằng, tình hình doanh nghiệp đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất gian nan và những biện pháp trợ giúp kịp thời từ Chính phủ là vô cùng quan trọng.
"Cộng đồng doanh nghiệp cảm ơn Chính phủ, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, đã dành các gói tài khoá, tín dụng, với quy mô chưa từng có, để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện tinh thần sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Lộc nói.
Điều mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành.
“Khi tôi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, thì họ đã nói rất thẳng thắn và chân thành rằng, biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tôi tin tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng, và chúng ta cũng hiểu một điều rất giản dị rằng, chính sự minh bạch, đơn giản hóa, để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp bền vững hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị tập trung tháo gỡ ngay các thủ tục phiền hà, cản trở để đẩy mạnh đầu tư công, sử dụng hết khoản đầu tư này để có thể tạo ra thị trường, tạo việc làm, tạo nền tảng và điểm kích hoạt cộng hưởng với đầu tư tư nhân, đầu tư FDI và với đầu tư đối tác công tư. Nếu làm được điều này, thì không có lý do gì Việt Nam không thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay, như quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh khó khăn, việc chậm nộp, gia hạn nộp các khoản thuế, phí trở thành mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Nghị định 41/2020/NĐ-CP chỉ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất với thời gian tối đa là 5 tháng là chưa đủ, do đó đề nghị kéo dài thời gian gia hạn lên 12 tháng.
VCCI cũng đề nghị bổ sung một số đối tượng được áp dụng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, nội dung số; sản xuất, kinh doanh thiết bị công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT, an toàn thông tin, doanh nghiệp lĩnh vực xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; các đơn vị sự nghiệp báo chí, đài phát thanh, truyền hình...
Đồng thời, xem xét việc giãn thời hạn nộp thuế xuất khẩu đến cuối năm 2020 và đề nghị sớm ban hành Nghị định cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017 và 2018 và cho phép chuyển tiếp chi phí trong thời hạn 5 năm (theo dự thảo sửa đoi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết).
10:16, 09/05/2020
06:40, 09/05/2020
06:00, 09/05/2020