19/01/2025 | 19:27 GMT+7, Hà Nội

Bí mật tại nhà băng được bình chọn là nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam

Cập nhật lúc: 10/01/2019, 15:38

“Thật ra những người sở hữu vật chất tương đối rồi thì tinh thần với họ rất quan trọng. Giá trị họ nhìn ra ở một công việc không chỉ là vật chất nữa mà còn là đời sống tinh thần”. Văn hóa là chất keo gắn kết, có nhân viên được chào lương cao hơn 30% vẫn không rời đi

Ngành ngân hàng chưa bao giờ có chỗ cho sự nhàn hạ. Trong đó là những con người luôn đối mặt áp lực để chạy theo chỉ tiêu doanh số, lo lắng khi không huy động đủ nguồn vốn, tìm mọi cách chèo kéo để khách đồng ý vay, ra về khi nhiều nhân viên văn phòng khác đã kết thúc bữa tối,… Nhưng thật kỳ lạ, có một ngân hàng luôn nhiều năm liền được nhắc đến trong top nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam.  

Theo đánh giá của Niesel, năm 2016 VPBank góp mặt trong Top 5 những nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam và Top 4 những ngân hàng có điều kiện làm việc tốt nhất. Gần đây nhất, vào 2017, VPBank được Anphabe bình chọn là nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam.

Vậy điều gì để những con người làm việc trong một môi trường đầy áp lực nhưng vẫn giữ được cảm giác hạnh phúc, gắn kết với tổ chức? Đó chính là văn hóa doanh nghiệp, mà theo một lãnh đạo VP Bank từng lý giải, đây là nơi "các nhân viên được tôn trọng, được lắng nghe, được thể hiện năng lực của mình trong và ngoài công việc".

Bí mật tại nhà băng được bình chọn là nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam: Văn hóa là chất keo gắn kết, có nhân viên được chào lương cao hơn 30% vẫn không rời đi - Ảnh 1.

Dĩ nhiên văn hóa đó không phải tự nhiên là có. Ông Đồng Xuân Hòa, Trưởng phòng truyền thông, Trung tâm truyền thông và tiếp thị ngân hàng VPBank đã từng tiết lộ tại một sự kiện gần đây rằng để xây dựng văn hóa vững mạnh, họ cũng phải đi những bước đường rất dài mới có được kết quả ngày hôm nay.

Ông Hòa kể 5 năm trước đây, khi ông mới về làm tại VPBank, câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp hay làm truyền thông nội bộ không hề dễ dàng. Trong môi trường mà doanh số và KPI luôn treo lơ lửng trên đầu, bất cứ hoạt động nào được bộ phận của ông triển khai cũng bị các bộ phận khác từ chối. Hầu như câu trả lời thường trực là "chúng tôi bận lắm, để chúng tôi tập trung kinh doanh".

Trong 2 năm đầu, ông Hòa cho biết họ không có cách nào khác ngoài kiên trì từng bước một. Với số lượng nhân viên lên tới hàng chục nghìn người, bộ phận truyền thông phải "vắt óc" nghĩ xem từng lớp nhân viên, từng bộ phận thích gì, có nhu cầu ngoài công việc ra sao... Kết quả là hàng loạt các hoạt động, từ văn nghệ, thể thao, thi sắc đẹp, đến chuyên môn nghiệp vụ được ra mắt, tạo sân chơi gắn kết nhân viên với nhau.

"Khi nhân viên gắn kết với nhau, gắn kết với tổ chức thì đương nhiên hiệu quả công việc sẽ cao hơn", trưởng phòng truyền thông VPBank khẳng định. "Chúng tôi có một thống kê nhỏ là sau khoảng tầm 2 năm, tại VPBank, những đơn vị nào có hoạt động văn hóa nội bộ đặc sắc thì kết quả kinh doanh đều tốt cả. Đơn vị nào chỉ hùng hục làm rồi đi về mà không có giao tiếp, mở rộng mạng lưới thì rất khó đem lại hiệu quả.

Có nhân viên được chào mời lương tăng 30% vẫn quyết không rời đi

Sau một thời gian triển khai các hoạt động văn hóa nội bộ và nhận về kết quả tích cực, ông Hòa cảm thấy vẫn có gì đó chưa trọn vẹn. Điều này xuất phát từ việc một bộ phận "elite" (tạm gọi là giới ưu tú) trong ngân hàng, những người làm việc tốt, có ý chí, có sức bền, có khát vọng, nhưng vẫn chưa tham gia vào các hoạt động kể trên.

Được truyền cảm hứng từ chủ tịch VPBank, người vào thời điểm đó đã chinh phục Fansipan ở ngưỡng ngoài 50 tuổi, ông Hòa nghĩ đến hoạt động tương tự và biến tấu thành một thông điệp trọn vẹn. Kết quả là ngay trong ngày thông báo, bộ phận truyền thông nhận về hơn 200 đơn đăng ký chinh phục Fansipan, đa phần là giới "elite". Bởi theo như ông lý giải, leo núi không phải leo bằng sức mà bằng tinh thần ý chí.

Bí mật tại nhà băng được bình chọn là nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam: Văn hóa là chất keo gắn kết, có nhân viên được chào lương cao hơn 30% vẫn không rời đi - Ảnh 2.

"Người làm truyền thông nội bộ, văn hóa doanh nghiệp phải nghĩ xem mình đang phục vụ ai và họ cần gì. Vậy nên chúng tôi luôn coi mình như agency nội bộ, luôn tìm cách làm hài lòng chính khách hàng của mình", ông Hòa bộc bạch.

Cũng theo ông văn hóa doanh nghiệpmạnh là một trong những chìa khóa quan trọng để VPBank tuyển người và giữ người. Ông tâm sự đã từng nhận nhiều thông điệp nhân viên đến với VPBank vì văn hóa đặc sắc. Có nhân sự kể họ được đề nghị làm việc chỗ khác với mức lương cao hơn 20-30% nhưng họ quyết định ở lại vì văn hóa, vì những người đồng nghiệp vẫn làm cùng hàng ngày.

"Thật ra những người sở hữu vật chất tương đối rồi thì tinh thần với họ rất quan trọng. Giá trị họ nhìn ra ở một công việc không chỉ là vật chất nữa mà còn là đời sống tinh thần".

"Câu chuyện thu hút và giữ chân nhân tài nhờ văn hóa doanh nghiệp là điều tôi không thể định lượng bao nhiêu nhưng cảm nhận rất rõ", ông khẳng định.

Theo một khảo sát của Dale Carnegie Việt Nam thực hiện năm 2018, đa phần doanh nghiệp Việt Nam đều nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp nhưng mức độ thực hiện chỉ đạt khoảng 5/10 điểm.

Nhiều doanh nghiệp vẫn nghĩ văn hóa doanh nghiệp là những gì mang tính nguyên tắc, khó hình dung, khó tạo dựng nhưng thực tế, đó chỉ cần là những hoạt động mang tính trải nghiệm, để nhân viên có cơ hội làm việc cùng nhau, gắn bó hiểu nhau hơn. Bởi lẽ với nhiều nhân sự, khi phải lựa chọn giữa 2 bên là tiền và giá trị tinh thần dài hạn, trong nhiều trường hợp, nhu cầu kết nối sẽ cao hơn nhu cầu vật chất.

Quay trở lại câu chuyện VPBank, ông Hòa cho biết mỗi cuộc leo núi có khoảng 100 người, được chia thành 10 nhóm nhỏ. Ông "khoe" sau những chuyến đi như vậy, họ có 10 gia đình nhỏ, gắn bó thực sự thân thiết với nhau. Sự gắn bó thậm chí còn lan tỏa đến nhiều nhân viên khác trong công ty.

"Đến nay chương trình này đã trở thành một đặc sản của VPbank, được duy trì 4 năm liên tiếp rồi đấy", ông Hòa tự hào cho biết.