21/11/2024 | 21:50 GMT+7, Hà Nội

Bếp xưa, tái hiện cả "bầu trời" ký ức

Cập nhật lúc: 25/01/2020, 16:00

Căn bếp trong ký ức trẻ thơ luôn là nơi cất giữ nhiều kỷ niệm, đặc biệt là khi không khí Tết đã về đến bên ta

Bếp xưa giữa chốn đô thành

Ở quê ngày trước, nhà nào cũng có một căn bếp được xây gần giống nhau. Trong bếp thường có hai gian chính. Một gian đặt bếp đun, có thể là bếp kiềng ba chân hoặc kiềng dài, dùng để nấu nướng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Gian còn lại để chạn bát, gia vị mắm muối, nồi niêu xoong chảo hay thúng mủng, những vật dụng khác.

Khi ấy, bếp thường được xây vuông góc với ba gian nhà chính. Bếp được xây thấp hơn nhà ở. Từ nhà trên, phải bước hai bậc để xuống bếp. Trong bếp chất đầy rơm. Ở làng tôi khi ấy, nhà nào cũng có cây rơm to. Lửa rơm khô cháy đượm. Rơm dùng để đun quanh năm. Những ngày mưa dầm, gió bấc, rơm ẩm, khói bao trùm cả một vùng quê.

Ngoài đun rơm là chính, củi khô hoặc bẹ chuối, bẹ ngô, thậm chí cả mo nang cũng được dùng để đun bếp. Nhà tôi đun bếp kiềng dài ba ngăn. Có khi, mẹ tôi thổi cơm, đun nước bằng rơm nhưng lại kho cá bằng bếp củi. Mẹ nói, kho cá phải kho kỹ mới ngon. Bếp củi rắc ít trấu, lửa cháy liu diu là hợp nhất. Rơm cháy đượm nhưng nhanh tàn, không đủ nhiệt để cháy âm ỉ được.

Bếp ngày xưa thường tối hơn bây giờ. Một phần vì người ta chỉ thắp bóng đèn điện loại nhỏ hoặc có gia đình chỉ thắp đèn dầu dưới bếp, phần khác là vì bếp đun lâu sẽ sinh ra bồ hóng. Bồ hóng giống như một lớp mạng nhện màu đen bám trên gác bếp, trên mái ngói nên thỉnh thoảng ngồi đun bếp, lũ trẻ con chúng tôi lại bị mảng bồ hóng rơi trúng đầu…

Ngỡ rằng, hình ảnh căn bếp xưa sẽ bị lãng quên dần theo thời gian, theo nhịp sống công nghiệp hóa khi gian bếp ngày nay đã được thay thế bởi những vật dụng tiện nghi, hiện đại. Hoặc chí ít, muốn ngắm lại gian bếp xưa, chỉ có thể tìm về những vùng nông thôn, may chăng mới được hoài niệm về một thời xa vắng. Vậy mà, một buổi chiều tháng 10 cuối thu, tiết trời se lạnh, tôi đã có dịp bắt gặp lại những hình ảnh về bếp rất đỗi thân thương ấy, ngay tại chốn thị thành xô bồ, tấp nập.

Đó là hình ảnh về ngôi nhà Việt được tái diễn trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (được đặt ở Thủ đô Hà Nội) - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên khắp đất nước. Vẫn không gian quen thuộc ấy, nào là bếp kiềng ba chân, kiềng dài, nồi gang, ấm đất, xoong nhôm, chạn gỗ cùng gác bếp chứa đủ "thập cẩm" những vật dụng thiết yếu ngày xưa, tất cả như vẽ ra trước mắt tôi, một "bầu trời" ký ức…

Miền ký ức không thể nào quên

Ngày còn nhỏ, mỗi khi đi học về, nơi đầu tiên tôi nhìn vào không phải là nhà chính, mà nhìn bếp xem đã "đỏ lửa" hay chưa. Bếp "đỏ lửa", có mùi khói bếp quyện vào trong gió, tức là mẹ tôi đã đi làm đồng về. Mẹ đang chuẩn bị bữa cơm trưa và anh em tôi không lo bị đói. Sau này được mẹ dạy nấu cơm bằng bếp rơm, không dưới chục lần, khi dùng đũa cả ghế cơm, tôi để tro bếp quyện vào với nước gạo đang sôi.

Mẹ nói: "Con gái, sau này trưởng thành là phụ nữ, căn bếp sẽ là nơi "giữ lửa" gia đình. Vậy nên, con phải học từng chút một, không chỉ học nấu nướng trong bếp mà còn học cách giữ gìn các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng. Cũng giống như khi nấu cơm, ban đầu sẽ cần lửa đượm để cơm chóng sôi, không bị sượng nhưng khi cơm cạn, chỉ cần lửa cháy âm ỉ, giữ nhiệt là đủ. Con phải tiết chế làm sao để cơm vừa chín tới, cơm không bị sượng, cũng không bị cháy quá nhiều".

Từ ấy, tôi mới biết, để có nồi cơm ngon cũng là cả một quá trình. Và tất thảy, trải qua bao nhiêu năm, bát cơm được nấu từ nồi gang, bếp rơm, bếp củi năm xưa vẫn có những hương vị đặc trưng mà giờ muốn tìm lại, cũng chẳng phải là điều đơn giản.

Những ngày mùa đông rét "cắt da cắt thịt", sau khi tan học, dựng chiếc xe đạp cũ ngoài sân, nơi tôi ùa vào cũng chính là gian bếp. Ngồi huơ tay sưởi ấm trên ngọn lửa thơm mùi rơm nếp, ngắm nghía đôi bàn tay dần ửng hồng cũng khiến đứa trẻ như tôi khi ấy thấy thích thú. Có năm mùa cấy vụ đông – xuân rơi vào đợt rét đậm. Lạnh buốt từ chân lội bùn đến gió thốc qua áo luồn qua sống lưng. Lạnh tím da tím thịt là thế, nhưng chỉ cần về đến nhà, chui vào bếp, châm ngọn lửa rơm bập bùng, cơ thể như được "hồi sinh". Có khi ngồi bếp lửa nhiều đến nỗi da mặt, da chân tay khô nứt nẻ nhưng theo thói quen, cứ lạnh là chui vào bếp.

Rồi những ngày được nghỉ học, lũ trẻ con chúng tôi khoái nhất là được ngồi nhóm bếp để sưởi. Không những thế, ngồi bếp còn có thú vui khác là ăn đồ nướng. Chúng tôi nướng bất cứ thứ gì nhà sẵn có. Lúc thì khoai lang, khi thì bắp ngô, lúc củ sắn, khi củ lạc. Người lớn dạy, nướng khoai không nên nướng khi đun rơm vì tro rơm chóng tàn, lâu chín mà phải nướng bằng than củi. Nếu than rực, chỉ dăm chục phút là có đồ ăn liền. Công đoạn bời khoai từ bếp ra, bẻ đôi, hơi nóng tỏa ra nghi ngút, vừa hít hà hương thơm vừa thổi xuýt xoa để cho vào miệng, đối với chúng tôi đó quả là một thú vui "tao nhã". Hôm nào quên để khoai quá lửa là y như rằng, miệng đứa nào đứa nấy đều được tô thêm màu than vì… phải ăn khoai cháy.

Chốn đong đầy những yêu thương

Gian bếp của người Chăm. Ảnh: N.Mai

Đun bếp rơm, bếp củi, xoong nồi, chảo đều bị đen dưới đáy. Cũng từ đấy, trẻ con xóm tôi có trò oẳn tù tì quệt nhọ nồi. Tàn cuộc, mặt cả lũ đều đen như bao công. Nhưng tất thảy, vẫn vui. Cũng vì nồi đen nên người lớn thiết kế cái rế mây, rế tre để lót nồi khi bắc lên chiếu, lên phản ngồi ăn cơm. Tôi nhớ có lần, tôi bắc cả rế lên bếp để đun. Hậu quả, "đi tong" cái rế của mẹ.

Rồi những ngày giáp Tết, cuộc sống trở nên hối hả hơn bao giờ hết. Quê tôi, mọi người hay có thói quen rủ nhau mổ lợn rồi chia phần. Mỗi nhà mang chậu, rổ rá đến cân và lấy phần thịt của nhà mình về chia ra làm các món. Căn bếp từ ấy cũng luôn đỏ lửa, tấp nập người ra vào.

Người quê tôi có món thịt lợn nấu đông và cũng chỉ nấu trong dịp Tết. Để làm món này, mẹ tôi nêm mắm muối vào thịt, thêm mộc nhĩ rửa sạch thái nhỏ cho thơm rồi đổ ngập nồi nước bắc lên bếp ninh. Ninh cho đến khi nào thịt nhừ, nước dùng sền sệt thì để nguội ở ngoài trời lạnh. Món này muốn ngon, ngoài công đoạn chọn thịt đúng tỷ lệ, đun lửa vừa phải thì quan trọng là phải được nấu vào khi trời lạnh, càng lạnh, nồi đông càng ngon. Năm nào nấu đông vào tiết trời nồm là năm ấy bị hỏng và dĩ nhiên, trên mâm cỗ ngày Tết sẽ thấy "thiếu thiếu" thứ gì đó.

Ngoài món thịt đông, vào đêm 29 Tết, bên nồi bánh chưng là những phên cá, phên thịt được bố tôi dựng xung quanh bếp lửa. Tôi luôn hăng hái nhận nhiệm vụ nằm ở ổ rơm trong bếp để trông không cho mèo cào trộm cá, thịt trong phên. Những bạn ở thành phố, chắc hẳn không thể hình dung chiếc ổ rơm của người quê như thế nào. Nó được làm từ một lớp rơm dày đặt ở góc bếp, cao chừng 7-10 cm rồi trải chiếu lên trên. Những nhà không có chiếu, họ trải tấm bạt mỏng.

Nằm trên ổ rơm, cuộn tròn trong chiếc chăn ấm bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, thoang thoảng mùi cá, mùi thịt nướng đưa tôi vào giấc ngủ từ khi nào không hay. Cũng chính nơi đây đã đã lan tỏa sự yêu thương, đong đầy nuôi dưỡng những tâm hồn non trẻ của chúng tôi cho đến mãi về sau…

“Con gái, sau này trưởng thành là phụ nữ, căn bếp sẽ là nơi “giữ lửa” gia đình. Vậy nên, con phải học từng chút một, không chỉ học nấu nướng trong bếp mà còn học cách giữ gìn các mối quan hệ trong gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.
Ngoài việc đưa chúng ta trở lại với những ký ức về căn bếp xưa, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, còn có không gian bếp của nhiều bà con dân tộc khác trên đất nước ta. Chẳng hạn, với đồng bào người Mường, bếp thường đặt ở nửa bên trong của ngôi nhà, nơi chủ yếu dành cho sinh hoạt của nữ giới. Một số gia đình có thêm một bếp ở gian ngoài cho khách sưởi khi trời lạnh gọi là "bếp khách". Khuôn bếp làm bằng gỗ, hình vuông hay hình chữ nhật, nền lót đất nện, trên đó đặt 3 ông Táo bằng đá và có hòn nục chủ (hòn đá cái) là nơi giữ vía của chủ nhà.
Bên trên bếp có giàn để phơi sấy. Cạnh bếp luôn có hũ đựng mẻ, loại gia vị được ưa thích và tượng trưng cho sự "mát mẻ" trong gia đình. Xung quanh bếp là vài đồ gia dụng, vài chiếc ghế gỗ để ngồi khi đun nấu hoặc sưởi ấm và thường kê tấm phản làm chỗ tiếp khách, hút thuốc lào.
Đối với người Chăm, nhà bếp thường được dựng đầu tiên, gồm gian ngoài để đun nấu, gian trong là kho để bồ lúa ăn hàng ngày và cất giữ đồ lặt vặt. Ba hòn đá đầu rau (dùng để kê bếp đun) được người Chăm coi là dấu hiệu sự sống của trần gian, đồng thời gắn liền với tín ngưỡng về Táo quân - thần bếp.
Bên cạnh đó, nhà bếp còn có ý nghĩa biểu tượng cuộc sống gia đình nên trong đám cưới, khi chú rể được đón về, vừa bước qua cổng vào sân nhà gái thì nhìn chăm chăm về phía nhà bếp rồi mới đi tới nhà tục để thực hiện các lễ thức tại đó.