18/01/2025 | 18:09 GMT+7, Hà Nội

Bệnh méo miệng, liệt mặt: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh

Cập nhật lúc: 10/12/2015, 06:23

Trời lạnh, cơ thể giảm sức đề kháng, nhất là ở người già dễ mắc bệnh nhiễm siêu vi gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng và các dây thần kinh mặt, có thể gây méo miệng, liệt mặt.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh thường xảy ra đột ngột, người bệnh cười nói khó, đánh răng, súc miệng, nước trào ra một bên mép. Rõ nét nhất là mặt mất cân xứng: bên liệt trông như mặt nạ, các nếp tự nhiên như nếp nhăn, rãnh mũi má bị mờ hoặc mất, miệng và nhân trung méo về bên lành.

Sự mất cân xứng càng rõ khi bệnh nhân làm một số động tác chủ động như khi cười méo lệch sang bên lành. Đặc biệt, mắt bên liệt nhắm không kín do liệt cơ khép vòng mi và nhãn cầu bị đẩy lên trên để lộ một phần lòng trắng.

Ngoài ra, còn một số triệu chứng khác ít gặp hơn như cảm giác tê một bên mặt, mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi, khô mắt do không tiết nước mắt hoặc tăng tiết nước mắt làm nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn.

Đa số các trường hợp mắc bệnh thường khỏi sau khoảng 1-3 tháng nếu được cấp cứu và điều trị đúng. Nếu không sẽ để lại biến chứng và di chứng như viêm loét giác mạc (do mắt nhắm không khép kín dễ bị gió bụi bẩn bám vào gây nhiễm khuẩn), co giật cơ mặt (do hồi phục thần kinh không hoàn toàn) hoặc co cứng nửa mặt (do dây thần kinh thoái hóa).

Đối tượng nào dễ mắc bệnh?

Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, dễ mắc là phụ nữ có thai, người bệnh đái tháo đường, cảm cúm, suy giảm miễn dịch, lứa tuổi trung niên và người già, người có thể trạng yếu, ít tập luyện, ít tiếp xúc với thiên nhiên, môi trường bên ngoài (ít ra gió), có tiền sử hạ đường huyết, tăng huyết áp, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch…

Đặc biệt là những người uống nhiều bia rượu và đi về trong đêm khuya sẽ bị lạnh. Mặt khác, lượng cồn trong máu đưa đến não và các cơ quan khác khiến mạch máu co lại (hoặc giãn ra tùy thể trạng mỗi người), làm cơ thể mất nhiều nhiệt, hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh sẽ bị cảm.

Xử trí thế nào?

Khi bị méo miệng, liệt mặt, cần được chữa trị kịp thời và đúng cách, nếu không bệnh có thể để lại di chứng liệt cứng và điều trị rất khó khăn.

Khi phát hiện thấy dấu hiệu nghi ngờ như: một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy một bên bị sệ xuống, miệng méo, mắt bên bệnh không thể nhắm kín và có nước mắt chảy ra... cần  bình tĩnh xem xét, không nên kết luận ngay mình bị tai biến mạch máu não.

Nếu thấy các triệu chứng chỉ có ở mặt thì nên nghĩ tới chứng liệt dây thần kinh mặt.

Tuyệt đối không được cạo gió, nếu những người có bệnh sử mạn tính như tăng huyết áp thì cần cho uống thuốc hạ huyết áp và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và loại trừ một số bệnh nguy hiểm khác cũng gây liệt mặt như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, u não...

Có rất nhiều phương pháp điều trị, tùy từng bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định như: điều trị nội khoa, châm cứu, bấm huyệt...

Ngoài ra, nhờ sự phát triển của y học - kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ đã có nhiều phương pháp để điều trị liệt thần kinh mặt như nối ghép các nhánh thần kinh lân cận như nhánh thần kinh lưỡi, sống cổ hay chuyển vi phẫu cơ thon. Và hiện nay phương pháp mới là chuyển dây thần kinh cơ cắn nối với nhánh miệng của dây thần kinh số VII bị liệt.

Phương pháp này đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh nhân liệt mặt méo miệng đến sớm sau liệt trong vòng 24 tháng.

Phòng, tránh ra sao?

Để phòng tránh méo miệng, liệt mặt, mùa lạnh cần giữ ấm, tránh để nhiễm lạnh, nhất là lạnh đột ngột.

Tránh ngồi trúng luồng gió, không tắm quá khuya, nếu trời lạnh, đi ra ngoài cần có khẩu trang, khăn ấm, nếu có việc phải đi xa, tốt nhất nên tránh di chuyển bằng xe máy. Nên bịt kín tai để lạnh giảm tác động vào dây thần kinh số VII. 

Đối với đối tượng có nguy cơ cao, sáng sớm khi mới ngủ dậy, nằm trên giường vài phút cho tỉnh táo và quen với môi trường, sau đó mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài môi trường lạnh.