26/11/2024 | 03:40 GMT+7, Hà Nội

Bất ngờ về sự giàu có của làng dệt Phùng Xá

Cập nhật lúc: 21/02/2019, 12:50

Cách Thủ đô 40km, qua cầu Phùng Xá, bên dòng sông Đáy, hàng tre vẫn ngân nga trong gió, một màu xanh thanh bình thôn quê chẳng lẫn vào đâu được. Cuộc sống dân làng sung túc, con người nồng hậu, chất phác. Bên cạnh nông nghiệp, chăn nuôi, có thể nói nghề thêu lụa, dệt khăn truyền thống đã nuôi sống ngôi làng này bao năm nay và thế hệ trẻ đã biết tận dụng cơ hội, kinh nghiệm và công nghệ để dựng xây quê hương giàu có đến bất ngờ.

Đình làng Phùng Xá (Nguồn: Internet)

Nghề dệt Phùng Xá hình thành từ năm 1929, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Sản phẩm dệt khăn mặt của làng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu cách, nào khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, nào khăn trơn, khăn hoạ tiết, khăn nhuộm màu, phun màu… bởi thế mà làng dệt Phùng Xá có được tiếng thơm cho đến bây giờ.

Quy mô làng dệt cũng theo đà đó mà phát triển, trong làng đã có 28 doanh nghiệp tư nhân, 13 Cty CP với quy mô sản xuất lớn, ngoài ra còn có các hộ sản xuất tư nhân, nghệ nhân, thợ giỏi và các thợ kỹ thuật phục vụ cho ngành dệt.

Phùng Xá được tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2002. Qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển, nghề dệt khăn đã trở thành nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Sản phẩm khăn được dệt chất lượng (Ảnh: M.Thu)

Về thăm làng Phùng Xá, chúng tôi đi tham quan các xưởng dệt lớn nhỏ, được nghe kể về những công đoạn dệt, nhuộm vải để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng. Hiện nay, ở Phùng Xá có hơn 70% các hộ gia đình làm sản xuất khăn và kinh doanh mặt hàng khăn mặt, không chỉ cung cấp các sản phẩm khăn mặt ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Cùng với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống, nghề dệt khăn không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương ở thôn Hạ và thôn Thượng mà còn cho lao động các vùng lân cận.


Một góc xưởng nhuộm vải. (Ảnh: M.Thu)

Làng nghề truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hoá riêng độc đáo của vùng, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc, là một đặc trưng kinh tế của đất nước. Duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là xứ mệnh thiêng liêng của mỗi người con làng Phùng Xá, kế tụng cha ông gìn giữ bản sắc cho muôn đời sau.

Khi nhiều làng nghề khác bị mai một, nhiều người phải chuyển nghề. Nhiều thanh niên bỏ làng đi nơi xa làm việc, nhưng với Phùng Xá thì thanh niên bám nghề và giàu lên vì nghề dệt.

Chúng ngạc nhiên với những căn biệt thự mọc lên khắp làng, nhà nhà đều khá giả có xe hơi khắp đường làng ngõ xóm. Giá đất trung tâm làng nghề tham chiếu trên 50 triệu/m2, cao hơn đất xung quanh làng xã khu vực vành đai 3 Hà Nội.

Tham quan xưởng dệt giữa làng Hạ của nghệ nhân Phan Thị Thuận, thật bất ngờ với những sản phẩm dệt từ tơ sen. Sen là quốc hoa của dân tộc Việt nhưng từ trước tới nay chỉ để ngắm hay cùng lắm là đem ướp trà nhưng bà Thuận đã khám phá ra được cách dệt lụa từ những sợi tơ sen vốn còn mỏng hơn cả tơ trời.


Nghệ nhân lấy cọng sen để kéo tơ. (Nguồn: Internet)


Sợi cuốn từ tơ sen. (Ảnh: M.Thu)


Khăn tơ sen. (Nguồn: Internet)

Giá trị của những sản phẩm từ tơ sen rất cao, một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen, tiền công sản xuất lên tới 10 triệu/chiếc. Mỗi khi sử dụng sản phẩm lụa sen, khách hàng không chỉ thấy ấm, thấy thoáng, thấy nhẹ mà còn ngửi thấy hương sen phảng phất trên người. Bởi thế bên cạnh giá trị sử dụng, lục sen còn có giá trị tâm linh, như luôn luôn có Phật ở bên mình.


Sản phẩm khăn choàng, vải lụa làm từ tơ tằm. (Ảnh: M.Thu)

Nghề dệt Phùng Xá đem lại thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho người dân Phùng Xá. Chắc chắn tương lai gần, sản phẩm của làng sẽ phát triển thương hiệu mạnh hơn nữa để cạnh tranh cùng các sản phẩm quốc tế.

Cơ ngơi khang trang bất ngờ của doanh nhân thành đạt từ nghề truyền thống của cha ông khiến du khách và người dân trong vùng ngưỡng mộ bất ngờ.

Minh Thu