19/01/2025 | 15:36 GMT+7, Hà Nội

Bất chấp dịch bệnh, khối doanh nghiệp FDI tăng vốn thêm hơn 8 tỷ USD

Cập nhật lúc: 29/11/2021, 16:18

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 11 tháng đầu năm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20-11-2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ.

Vốn FDI bật tăng ấn tượng.
Vốn FDI bật tăng ấn tượng

Cụ thể, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài, giảm 31,8%; tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ; có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 16,6% ; có 3.466 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 40,4%; tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, đây là kết quả tích cực trong bối cảnh Covid-19 khó đoán định và dòng vốn đầu tư thế giới đang có nhiều điều chỉnh.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện thu hút được số dự án mới và điều chỉnh không nhiều, nhưng với quy mô dự án lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6%.

Tiếp theo, lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.

Xét về đối tác, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Ở chiều ngược lại, phần góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Điều này đã “kéo lùi” tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam chỉ còn tăng 0,1%.

Cũng trái ngược với xu hướng tăng của vốn đăng ký, vốn đầu tư giải ngân tiếp tục giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, vốn FDI giải ngân 11 tháng đạt 17,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh tỷ lệ người tiêm vaccine tăng cao, nền kinh tế dần quay trở lại trạng thái như giai đoạn trước Covid-19, vốn FDI giải ngân sẽ quay trở lại đà tăng như trước kia.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bat-chap-dich-benh-khoi-doanh-nghiep-fdi-tang-von-them-hon-8-ty-usd-269750.html