18/01/2025 | 15:58 GMT+7, Hà Nội

Bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 24/04/2020, 21:38

Từ 0h ngày 23-4, Hà Nội chính thức ngừng thực hiện cách ly xã hội, trừ hai huyện Mê Linh và huyện Thường Tín. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, với những chiến lược phù hợp...

Từ 0h ngày 23-4, Hà Nội chính thức ngừng thực hiện cách ly xã hội, trừ hai huyện Mê Linh và huyện Thường Tín. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, với những chiến lược phù hợp, phản ứng kịp thời, quyết liệt chống “giặc vô hình” Covid-19 kéo dài gần 40 ngày qua, kể từ ca mắc đầu tiên vào ngày 6-3 trên địa bàn Hà Nội. Nhiệm vụ bây giờ của mỗi người dân Thủ đô, đó là phải bảo vệ thành quả, giữ thế chủ động chống dịch Covid-19.

Việc sàng lọc, khoanh vùng kịp thời của Hà Nội đã hạn chế tối đa lây nhiễm dịch trong cộng đồng. Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) đêm 9-4. Ảnh: Phạm Hùng

Chiến lược phù hợp, phản ứng kịp thời

Là những người theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, ngày 23-4, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm, y tế dự phòng đều có chung đánh giá, giải pháp trong từng giai đoạn chống dịch Covid-19 được Hà Nội đưa ra thời gian qua rất hợp lý.

Đặc biệt, thành phố cũng là địa phương đi đầu về công tác xét nghiệm sàng lọc ca nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Biện pháp này đã góp phần phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời, hạn chế sự lây lan. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện tỷ lệ người dân được xét nghiệm sàng lọc tại Hà Nội cao gấp 4,3 lần tỷ lệ chung của cả nước.

Chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao các biện pháp chống dịch Covid-19 mà thành phố triển khai, nhất là việc xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng test nhanh cho người dân tại những vùng có nguy cơ cao.

“Cơ chế lây truyền của vi rút nói chung qua 3 đường: Tiêu hóa, hô hấp và đường máu. Riêng với vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua đường hô hấp, nên tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, nếu không khoanh vùng, không theo kịp tốc độ của vi rút, không thường xuyên có những chiến thuật phù hợp, chắc chắn sẽ "vỡ trận". Ở Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố liên tục đưa ra những chiến lược kịp thời, thậm chí các giải pháp cũng được thay đổi phù hợp với diễn biến tình hình trên thực tế”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, Hà Nội là địa bàn phức tạp, đông dân, tập trung nhiều cơ quan trung ương và địa phương, giao lưu đi lại lớn, nhưng thời gian qua, thành phố đã làm tốt nhiệm vụ chống dịch Covid-19, góp phần vào thành quả chung của cả nước. Từ ổ dịch ở Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung ứng dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai rất phức tạp cho đến các ổ dịch mới ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), đều được khống chế.

Đã 8 ngày trôi qua, thành phố không ghi nhận ca mắc mới, không có ổ dịch mới phát sinh. Kết quả này là nhờ Hà Nội đã tập trung chặn nguồn lây từ bên ngoài, xét nghiệm nhanh sàng lọc trong cộng đồng, từ đó khoanh vùng, khống chế ổ dịch kịp thời. Hơn nữa, trong 22 ngày (từ ngày 1 đến 22-4), Hà Nội thực hiện rất quyết liệt việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không triển khai cách ly xã hội tốt, với địa bàn đông dân như Hà Nội, số ca mắc sẽ bùng lên rất nhanh, có thể từ 100 người lên 1.000 người và hơn thế nữa.

Về vụ việc tiêu cực đáng tiếc xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội làm ảnh hưởng đến kết quả chống dịch của Thủ đô, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, sự việc trên chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Thử hỏi, nếu chúng ta không có thiết bị, máy móc xét nghiệm, chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng đôi khi không rõ ràng, thì làm sao có thể tay không mà bắt được “giặc vô hình" Covid-19.

Do đó, muốn khoanh vùng, dập được dịch, chúng ta phải có đủ năng lực xét nghiệm trong tay. Quyết sách của Hà Nội trong việc tăng cường đầu tư máy móc, các kit xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm là hoàn toàn đúng đắn. Còn người đi mua thiết bị đó, họ đã thực hiện không đúng, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chung tay giữ vững thành quả

Những hành vi tiêu cực của một số ít cá nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chỉ là hiện tượng cá biệt, bởi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan này đã đọng lại nhiều, rất nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng. Dù làm việc liên tục suốt 8 tiếng, khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bước ra khỏi phòng xét nghiệm, những vết hằn còn in đậm trên khuôn mặt, thế nhưng, những cán bộ như chị Trần Thị Ngọc Ánh, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội) vẫn nở nụ cười tươi.

Chị Ánh kể, để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác chống dịch, chúng tôi có thể làm việc thâu đêm, suốt sáng mà không thấy mệt. Thậm chí, có những hôm còn quên cả ăn, chỉ ngồi ngóng kết quả xét nghiệm. Khi kết quả đó là âm tính, chúng tôi mừng lắm và đùa nhau, đó là “bữa ăn rất giàu chất dinh dưỡng”…

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong cuộc chiến chống Covid-19, Hà Nội đã làm rất tốt nhiệm vụ nhờ sự nỗ lực của từng cá nhân và sự nỗ lực của cả một tập thể. Nhờ đó, hiện nay, chúng ta đã hạn chế được dịch bệnh, không để dịch bùng phát. Vì vậy, không thể áp dụng biện pháp cách ly xã hội được nữa mà phải quan tâm đến an sinh xã hội, đến phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới và tử vong vẫn gia tăng từng ngày, nếu người dân chủ quan, chỉ cần xuất hiện một ca mắc mới trong đám đông, mà không quản lý được sẽ dễ bùng lên không kiểm soát.

Để bảo vệ thành quả đã đạt được, mỗi người dân cần thực hiện “5 an toàn”, đó là phải đeo khẩu trang; không giao tiếp gần dưới 2 mét, không tụ tập đông người; hạn chế không đi ra ngoài khi không cần thiết, nhất là những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính; tiếp tục khai báo y tế, khi có các triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí cả mệt mỏi không rõ nguyên nhân; tiếp tục khử khuẩn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc theo khuyến cáo phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đối với chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng nơi phải có đáp ứng, quy định phù hợp để vừa phòng dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Quy định loại hình kinh doanh nào cần thiết cho mở cửa, hay mở dưới hình thức nào. Chẳng hạn như cho phép quán ăn được mở cửa, nhưng khách hàng phải ngồi cách xa 2 m, tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay…

Hay có địa phương lên “bảng điểm” cho từng loại hình kinh doanh (chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19). Doanh nghiệp nào đạt thì cho hoạt động, doanh nghiệp nào không đạt buộc phải đóng cửa. Đây cũng là một cách làm hay mà Hà Nội có thể học hỏi.

“Khi xác định chung sống với dịch bệnh, thì phải đưa ra được những biện pháp kinh doanh an toàn. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chỉ là nơi đưa ra những quy định, khuyến cáo… Thực hiện như thế nào phụ thuộc lớn vào ý thức của mỗi người. Vai trò của từng công dân là quan trọng trong bối cảnh giảm mức giãn cách xã hội như hiện nay”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.