19/01/2025 | 13:34 GMT+7, Hà Nội

Bảo hiểm du lịch: Chớ nên coi nhẹ!

Cập nhật lúc: 18/01/2019, 06:00

Từ lâu, bảo hiểm du lịch đã trở thành một trong những “hành lý” quan trọng đối với du khách, thế nhưng có rất nhiều người không có thói quen bỏ tiền ra để “mua sự an tâm”cho mình và người thân, nhất là khi đi du lịch tự túc.

Chớ xem nhẹ bảo hiểm du lịch

Hiện nay, du lịch trong đợt tết Nguyên đán đang trở thành xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn, nhưng khi PV tham khảo, cập nhật thông tin thì được biết ra rằng có rất nhiều người đã bỏ qua một yếu tố quan trọng để giúp họ có một chuyến đi vui vẻ, thoải mái và an tâm, tránh những rủi ro xấu có thể xảy ra như: Tai nạn cá nhân, thất lạc hành lý, mất tài sản cá nhân và chứng từ du lịch, bị dời chuyến đột xuất hay các sự cố khác về chuyến bay,... đó chính là mua bảo hiểm du lịch - tấm vé thông hành cho những chuyến đi.

Lý do được nhiều người đưa ra là vì không biết hoặc thủ tục rườm rà hay do sự chủ quan... cho dù mức phí bảo hiểm cho một du khách khá thấp, chỉ vài chục nghìn đồng/người/ngày và người đi du lịch còn được luật pháp bảo vệ và có quy định rõ ràng về vấn đề này. 

Việc mua bảo hiểm du lịch không chỉ đem lại sự an tâm mà còn cho bạn được hưởng những quyền lợi khác

Khi được hỏi về bảo hiểm du lịch, chị L.T.Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) đã rất ngạc nhiên khi biết có loại hình như vậy: “Có lại bảo hiểm đó ư? Tôi chưa nghe thấy bao giờ. Tôi có mua một số gói bảo hiểm cho bản thân nhưng cũng không thấy nhân viên bán bảo hiểm tư vấn mua loại này bao giờ. Còn bình thường tôi chỉ đi du lịch tự túc nên cứ chọn địa điểm và đi thôi".

Trong khi đó, chị V.T. Hồng (Từ Sơn, Hà Nội), một người hay đi phượt và có biết về bảo hiểm du lịch nhưng cũng rất ít khi mua nó cho bản thân cho hay: “Trước kia, tôi có mua bảo hiểm du lịch nhưng cũng chỉ được 2, 3 lần cho chuyến đi phượt, còn những chuyến đi khác thì không mua”.

Giải thích nguyên nhân không mua "sự an tâm" cho bản thân, chị Hồng cho biết, do hay đi du lịch tự túc cùng bạn bè nên chị thấy việc mua bảo hiểm khá rườm rà, mất thời gian và cũng do chủ quan nghĩ rằng đi du lịch là vui vẻ, chứ mấy khi tai nạn, xui xẻo xảy ra.

Cũng giống như chị Hồng, chị Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người chuyên phụ trách hậu cần cho các chuyến du lịch của công ty trong mấy năm gần đây cho hay, chị cũng chỉ biết bảo hiểm du lịch là một trong những mục quan trọng và bắt buộc mà công ty lữ hành phải thực hiện khi tổ chức tour cho khách chứ cũng không hiểu hết nó như thế nào.

"Phía công ty du lịch có giải thích cho tôi và mọi người về bảo hiểm du lịch. Tôi biết có loại hình đảm bảo an toàn này, nhưng cũng chỉ mua khi đi theo tour, còn đi tự túc cùng gia đình thì chưa sử dụng bao giờ. Đi du lịch là nghỉ ngơi, thư giản, ai lại nghĩ đến rủi ro, đen đủi", chị Nga nói.

Khách du lịch thì lơ mơ về quyền lợi của mình, trong khi nhiều nhiều công ty lại không hướng dẫn cụ thể cho khách hàng biết và có những trường hợp sẵn sàng làm lơ chuyện này nên đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đáng chú ý nhất là vụ 3 du khách Anh bị tai nạn ở thác Datanla (Lâm Đồng) xảy ra vào tháng 2/2016. Công ty Đam mê Đà Lạt – đơn vị du lịch liên quan trực tiếp đến 3 du khách đã chỉ bán vé tour, không hướng dẫn việc mua bảo hiểm du lịch cho họ, mặc dù tour đó có yếu tố mạo hiểm.

Như vậy, mặc dù ai cũng biết rằng việc di chuyển có thể xảy ra những sự cố đáng tiếc nhưng nhiều người vẫn chủ quan trong việc bảo vệ chính bản thân mình và người thân. 

Nhiều khách du lịch vẫn còn lơ mơ trong vấn đề bảo vệ quyền lợi an toàn của bản thân

Hãy nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho chuyến du lịch

Việc mua bảo hiểm du lịch được xem là quyền lợi của du khách và điều này đã quy định trong luật Du lịch mới năm 2017. Trong khi, luật Bảo hiểm cũ năm 2005 không bắt buộc công ty lữ hành trong nước phải mua bảo hiểm du lịch mà chỉ bắt buộc với các công ty lữ hành quốc tế khi thực hiện các chương trình du lịch ra nước ngoài.

Tại chương V, mục 1, Điều 37, luật Du lịch mới nhất số 092017QH14 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 có quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành như sau: “Các doanh nghiệp lữ hành phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch”.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng bán các gói bảo hiểm du lịch cho những người đi tự túc trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, du khách có thể dễ dàng tìm thấy sự đảm bảo an tâm cho mình và người thân ở bất kỳ đâu thông qua các kênh như mạng xã hội hoặc đến trực tiếp văn phòng, công ty hay tập đoàn bán bảo hiểm để tìm hiểu và mua chúng.  

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Tranviet Travel, luật Du lịch mới có quy định bắt buộc các công ty du lịch phải mua bảo hiểm cho du khách nhưng hiện nay, các đơn vị này cũng thường chỉ mua ở những mức tối thiểu mà thôi, ngay cả tour quốc tế. Như vậy, trong trường hợp du khách xảy nhiều vấn đề rủi ro thì sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn và có nhiều thứ bị loại trừ, bồi thường không cao.

“Khách hàng khi mua tour nên quan tâm tới bảo hiểm chứ không nên chỉ nghĩ tới sản phẩm tour hoặc giá tour. Cần xem giá tour là những gì và mức giá tour là bao nhiêu để khi xảy ra sự cố sẽ đòi được quyền lợi chính đáng cho mình”, ông Đạt chia sẻ.

Những quyền lợi bảo hiểm du khách nên biết

Việc mua bảo hiểm du lịch không chỉ đem lại sự an tâm cho du khách, mà họ còn được hưởng những quyền lợi khi gặp tai nạn và các quyền lợi khác như: Chi phí điều trị y tế; vận chuyển y tế cấp cứu; tai nạn cá nhân; những sự cố hoãn, hủy chuyến bay, rút ngắn thời gian du lịch, thất lạc hành lý, bị dời chuyến đột xuất hay các sự cố khác về chuyến bay…; mất tài sản cá nhân và chứng từ du lịch; gặp vấn đề với xe cộ đi thuê ở nước ngoài…

Tuy nhiên, du khách cũng nên lưu ý, bảo hiểm du lịch sẽ không bồi thường trong một số trường hợp như: Gặp rủi ro do chiến tranh, nội chiến; phụ nữ mang thai; không áp dụng cho trường hợp tự tử; mất tích bí ẩn; bị nhiễm HIV, chất phóng xạ; hành vi trái pháp luật; đi chữa bệnh; tham gia các trò chơi mạo hiểm; những sở thích “trên không”.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều công ty bán bảo hiểm du lịch cho khách hàng lựa chọn như Bảo Việt, Bảo Minh, ACE Life, AIG (Chartis), Liberty, Blue Cross… Mức phí bảo hiểm “cực kỳ thấp”, chỉ 1.500 đồng/người/ngày đối với du lịch nội địa với phạm vi bảo hiểm bao gồm: Tử vong, tàn tật do tai nạn hoặc gặp bệnh tật bất ngờ trên đường tour, mức đền bù cao nhất là 10 triệu đồng cho mỗi trường hợp. Ngoài ra, số tiền bảo hiểm sẽ có định mức từ 1 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Phí bảo hiểm cũng sẽ thay đổi tương ứng với mức giá trị bảo hiểm mà khách hàng lựa chọn. Và thường mức phí cho tour quốc tế sẽ cao hơn nội địa. Mỗi rủi ro xảy ra có các mức phí khác nhau cho khách du lịch lựa chọn mua.

 Bảo hiểm du lịch là tấm vé an toàn cho du khách

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hà Nội Tourist đưa ra lời khuyên, khi mua bảo hiểm khách hàng nên tìm đến các đơn vị bán bảo hiểm uy tín, tìm hiểu nhiều hãng để có thêm thông tin, xác định rủi ro nào ưu tiên, thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức bồi thường, các trường hợp được bảo hiểm, thủ tục bảo hiểm… Qua đó, sẽ có những đánh giá và quyết định phù hợp với nhu cầu cũng như túi tiền của mình. Ngoài ra, mọi người cũng có thể nhờ các đơn vị lữ hành mình mua tour tư vấn và hướng dẫn về vấn đề này. 

“Du khách không nên tiếc tiền bảo hiểm du lịch vì chi phí mua không lớn, nếu xảy ra vấn đề sẽ tốn rất nhiều chi phí, nhất là đi du lịch nước ngoài. Do đó, người dân không nên coi nhẹ việc mua bảo hiểm du lịch để luôn bảo vệ bản thân được tốt nhất”, ông Kế nói.