19/01/2025 | 15:21 GMT+7, Hà Nội

Bao giờ phụ nữ độc thân có quyền sinh con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm?

Cập nhật lúc: 09/02/2019, 02:56

Bộ Y tế vừa ban hành Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Trong quy định vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký ban hành trước Tết Kỷ Hợi 2019, có hiệu lực thực hiện từ 15/3 tới, phụ nữ độc thân, cặp vợ chồng vô sinh có quyền sinh con nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Phụ nữ độc thân được hiểu là không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng, tức là chị/em cùng cha mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ, chị em con chú bác, con cô cậu...

 Em bé đầu tiên tại Việt Nam chào đời bằng phương pháp mang thai hộ, tháng 1/2016

Em bé đầu tiên tại Việt Nam chào đời bằng phương pháp mang thai hộ, tháng 1/2016

Quy định này cũng yêu cầu giữ bí mật nhân thân, bí mật đời sống cá nhân cho vợ chồng mang thai hộ, nhờ mang thai hộ, trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Việc cho/nhận tinh trùng, cho nhận phôi thực hiện trên nguyên tắc vô danh.

Tinh trùng, phôi cho/nhận được mã hoá để giữ bí mật nhưng phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

Bộ Y tế cũng cho biết trước khi cho tặng tinh trùng, trứng, người cho được xét nghiệm để đảm bảo không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không nhiễm HIV... Tinh trùng/ trứng được hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người nhận, trường hợp không thành công mới được sử dụng cho người khác.

Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, trứng còn lại phải được huỷ hoặc hiến tặng cho cơ sở y tế làm nghiên cứu khoa học.

Phụ nữ độc thân muốn nhận tinh trùng phải là người có nhu cầu sinh con, noãn của họ đảm bảo chất lượng để thụ thai. Còn nếu muốn nhận phôi, phải là người không có noãn, hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai.

Bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiệu quả, tỷ lệ thành công cao. Trên thế giới, khả năng IVF thành công là khoảng 40-45%. Tại Việt Nam, tỷ lệ này đạt 35-40%, con số này sẽ giảm từ 2-10% đối với phụ nữ lớn tuổi (sau tuổi 40).

Hiện nay, chi phí IVF tại các trung tâm, bệnh viện trên toàn quốc khoảng 70-100 triệu đồng, dao động tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe người mẹ, phác đồ điều trị.

Từ 15/3/2015, Việt Nam cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tháng 3/2016, hai bé trai đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), là cặp song sinh nhờ mang thai hộ đầu tiên Việt Nam. Trước đó, ngày 22/1, bé gái Đinh Quỳnh Anh chào đời khỏe mạnh nặng 3,6 kg tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, là đứa trẻ đầu tiên được mang thai hộ ở Việt Nam.

V.Thu