Bảo đảm nông sản lưu thông an toàn trong đại dịch
Cập nhật lúc: 17/06/2021, 06:15
Cập nhật lúc: 17/06/2021, 06:15
Ngày 15/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã thông tin về kết quả chỉ đạo, điều hành sản xuất những tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản.
Ông Phùng Đức Tiến cho biết, những tháng đầu năm, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Do đó, ngay từ đầu năm, Bộ đã xác định: "Khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng phải hết sức bình tĩnh, 'nóng nhưng không vội' để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến nguy thành cơ, từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, vừa phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Tiến khẳng định, đến thời điểm này, mọi kế hoạch sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn theo sát các mục tiêu đề ra.
Đối với lương thực, đến nay, ngành nông nghiệp đã thu hoạch được 16,6 triệu tấn, dự kiến hết vụ Đông Xuân sẽ thu hoạch được 20,6 triệu tấn (tăng 2,5 % so với năm 2020). Ngoài ra, rau màu, hoa quả hiện nay cũng rất dồi dào. Về thực phẩm, năm nay ngành nông nghiệp dự kiến cung ứng 8,6 triệu tấn thủy sản, đến thời điểm hiện tại đã đạt được 3,3 triệu tấn (tăng 2,6% so với năm ngoái, trong đó 1,6 triệu tấn khai thác và 1,7 triệu tấn nuôi trồng).
Về mặt hàng thịt, năm nay ngành nông nghiệp phấn đấu cung ứng khoảng 5,6 triệu tấn. Tổng kết đến tháng 5/2021, đàn lợn tăng 11,1%, gia cầm tăng 6,4%. trứng cung ứng 15 tỷ quả.
Hiện nay, một số mặt hàng nông sản khác đã và sắp vào vụ thu hoạch như thanh long (sản lượng ước đạt 1.455 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2020), xoài (sản lượng dự kiến 995 nghìn tấn, tăng trên 10% so với năm 2020), khoai lang (sản lượng khoảng 1.399.400 tấn, tăng gần 70 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái), ớt (sản lượng khoảng 611.340 tấn).
Các mặt hàng nông lâm thủy sản đều tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế… Trong đó, cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu tăng trưởng ở mức khoảng 3%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%. kim ngạch xuất khẩu phải đạt 44 tỷ USD... Mặc dù bị tác động lớn bởi COVID-19 song đến nay, toàn ngành vẫn đang nỗ lực phấn đấu để đạt được các mục tiêu đề ra theo nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.
Trong đó, tập trung xây dựng kho dữ liệu ngành, lĩnh vực, khối sản xuất để đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu các chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, chủ động phối hợp với các hiệp hội, hội ngành hàng để nắm bắt thị trường và phát huy vai trò của DN, HTX nông nghiệp gắn với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Thực hiện rà soát, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô, số lượng. Khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy chế biến nông sản tăng cường việc sơ chế, chế biến, gạo gia cầm chế biến... để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch COVID-19 cho các thị trường xuất khẩu chủ lực; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính thực hiện hỗ trợ về chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản.
Phối hợp với Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, phối hợp UBND các tỉnh biến giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan xuất khẩu nông sản.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội n gành nông sản... thực hiện đa dạng các biện pháp phân phối, bán lẻ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ phân phối sản phẩm thị trường online và hệ thống bán lẻ.
Nguồn: https://congly.vn/bao-dam-nong-san-luu-thong-an-toan-trong-dai-dich-189332.html
15:38, 08/06/2021
06:31, 31/05/2021
06:30, 30/05/2021
06:37, 27/05/2021