19/01/2025 | 06:06 GMT+7, Hà Nội

Báo chí cách mạng Việt Nam: Hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn

Cập nhật lúc: 19/06/2020, 16:24

LTS: Từ ngày Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên (ngày 21-6-1925) đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 95 năm đầy tự hào, khẳng định là "vũ khí" sắc bén...

LTS:  Từ ngày Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên (ngày 21-6-1925) đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 95 năm đầy tự hào, khẳng định là "vũ khí" sắc bén của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Hiện nay, đội ngũ báo chí đang đứng trước cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi sự chuyển mình phù hợp xu thế phát triển của thế giới và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới. Báo Hànộimới xin giới thiệu loạt bài: “Báo chí cách mạng Việt Nam: Hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn”.

Trong thời đại công nghệ số, người làm báo càng phải phát huy truyền thống báo chí cách mạng, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Trong ảnh: Phóng viên Việt Nam và quốc tế khai thác thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Bài 1: Tự hào truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam

Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời đã mở đầu lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Ôn lại truyền thống, nhớ về những hạt nhân báo chí ưu tú để thấy rõ tầm vóc, những đóng góp đáng tự hào của báo chí cách mạng trong suốt 95 năm qua.

Dấu ấn Báo Thanh Niên

Đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam ra đời, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, trí thức theo từng nhóm nhỏ, nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau. Trong bối cảnh này, để tập hợp các lực lượng cùng chí hướng, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất bản số đầu tiên. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Khi đó, ấn phẩm Báo Thanh Niên được bí mật chuyển từ Trung Quốc về trong nước. Báo có nhiều bài viết về các tổ chức thanh niên, nông hội, phụ nữ; khơi gợi lòng căm thù trước tội ác của thực dân Pháp, cổ vũ nhân dân làm cách mạng, đồng thời truyền bá học thuyết Mác - Lênin, chuẩn bị tư tưởng, lực lượng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930), trong giai đoạn 1930-1945, báo chí cách mạng hoạt động bí mật, nhưng có nhiều thành tựu to lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh giai cấp, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí cách mạng tiếp tục diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ...

Để khẳng định và phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong công cuộc dựng xây đất nước, ngày 2-6-1950, Chính phủ quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7-1950, tại Phần Lan, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức. Ngày 5-2-1985, Ban Bí thư ra Quyết định số 52-QĐ/TƯ lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí Việt Nam (21-6-1925). Và ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nôi đào tạo báo chí đầu tiên

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nôi đào tạo báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trong lịch sử báo chí cách mạng, có một dấu mốc khá quan trọng, đó là sự ra đời của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vào ngày 4-4-1949, tại Chiến khu Việt Bắc. Ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn; học viên gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước. Giảng viên là những người giàu kinh nghiệm về chính trị, lý luận và hoạt động thực tiễn như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân…

Nhà báo lão thành Lý Thị Trung, nhà quản lý đầu tiên của Báo Phụ nữ Thủ đô giờ đã 90 tuổi, nhưng khi nhắc tới Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là bao kỷ niệm ùa về. Bà Lý Thị Trung nhớ lại: “Chúng tôi được dạy cả về kỹ năng viết tin, phóng sự, phóng sự điều tra, xã luận…, đến cấu trúc một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in. Hằng ngày, ngoài giờ học nghiệp vụ viết báo, học viên còn tập bắn đạn thật, học cách ngụy trang, tự cứu thương…”.

Còn nhà báo lão thành Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, thời gian đào tạo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, điều kiện cơ sở vật chất thô sơ, ghế ngồi là hai cây tre buộc lại..., nhưng các học viên đã lĩnh hội được khối lượng kiến thức đồ sộ cũng như tu rèn đạo đức nghề nghiệp.

95 năm đã qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam trải qua một chặng đường vẻ vang dù không ít chông gai. Nếu như năm 1949, chúng ta chỉ có một trường dạy làm báo, hơn chục tờ báo với 300 người làm báo, thì nay, cả nước có hàng chục cơ sở đào tạo (từ hệ cao đẳng đến tiến sĩ), 868 cơ quan báo chí và hàng vạn người làm báo. Đó là chưa kể phương tiện, điều kiện, phương thức tác nghiệp đã có sự cải thiện vượt bậc nhờ thành tựu của khoa học, công nghệ…

Đất nước đổi mới, ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, báo chí cách mạng cũng cần đổi mới để không bị tụt hậu. Đó là một quá trình rất gian nan, bao gồm cả thời cơ và thách thức, đòi hỏi những người làm báo phát huy truyền thống đáng tự hào, không ngừng trau dồi kiến thức, thay đổi cách làm, để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, giàu tính nhân văn; qua đó phụng sự Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày một tốt hơn.

(Còn nữa)