19/01/2025 | 06:08 GMT+7, Hà Nội

Bạn là gì trên facebook: Sản phẩm hay khách hàng?

Cập nhật lúc: 20/03/2018, 23:00

Người dùng là khái niệm chung chỉ những chủ thể có sở hữu các tài khoản facebook nhưng thực chất bạn là ai trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này? “Sản phẩm” hay “Khách hàng”.

Giao diện đăng nhập của facebook là một màn hình đơn giản đến không ngờ. Tất cả chỉ bao gồm các ô để điền thông tin “đăng nhập” dành cho những người dùng cũ và “đăng ký” dành cho những người chưa có tài khoản hoặc muốn mở thêm tài khoản mới.

Ở giữa hai vị trí đó là một dòng cam kết ngắn gọn nhưng đầy sức mạnh “Miễn phí và sẽ luôn như vậy”.

Nhưng facebook có thật sự là miễn phí? Facebook có phải là thứ mà người ta có thể dùng thoải mái, tự do, an toàn và không cần suy nghĩ gì hay không?

Câu trả lời là “Không”!

Facebook chưa bao giờ là miễn phí và chắc chắn sẽ không bao giờ miễn phí.

Khi bạn gia nhập và sử dụng facebook cùng 2 tỷ người dùng khác là bạn đã mặc nhiên trả phí thông qua việc cung cấp và cho phép cho mạng xã hội này sử dụng các thông tin cá nhân cũng như các thói quen của bạn.

Việc người dùng thường truy cập facebook giờ nào, đọc những loại thông tin gì, like ở đâu, post chỗ nào, hay thường comment nội dung gì, tương tác với ai cũng đều không thoát khỏi hệ thống kiểm soát của facebook. Thậm chí, ngay cả những tin nhắn riêng hoặc những post bạn chỉ “ghé mắt” xem qua cũng nằm trong phạm vi theo dõi của những hệ thống thu thập dữ liệu khổng lồ này.

Mà thông tin cá nhân và thói quen của người dùng, khi được thu thập, phân tích và tổng hợp sẽ trở thành bản vẽ chi tiết về mỗi con người. Dựa trên những dữ liệu này, facebook gần như nắm rõ hành vi của từng người dùng và bán nó cho các nhà quảng cáo để có được doanh thu nhiều tỷ USD.

Đấy là lý giải vì sao người dùng thường bị bủa vây bởi những quảng cáo về những sản phẩm, dịch vụ mà họ rất quan tâm chứ hiếm khi nhận được những quảng cáo xa lạ với thói quen mua sắm, tiêu dùng của mình. Tất nhiên, khi bị rơi vào mê cung những thứ mình thích thì khả năng rút tiền ra khỏi hầu bao chi tiêu là chuyện khó tránh khỏi.

Nếu chỉ dừng lại ở quảng cáo, có lẽ nhiều người sẽ không thấy phiền lòng cho lắm vì con người luôn có xu hướng mua sắm nhiều hơn những gì họ thực sự cần.

Nhưng mọi việc còn đi xa hơn thế rất nhiều khi mới tuần trước công ty dữ liệu Cambridge Analytica đã tiết lộ thông tin gây chấn động khi cho biết có tới 50 triệu thông tin cá nhân của người dùng bị facebook lợi dụng cho các mục tiêu chính trị. Công ty sở hữu mạng xã hội này đã thu thập và sử dụng những thuật toán tinh vi làm nhiễu thông tin và từ đó làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là những con số được công bố bởi với bản chất của mạng xã hội, người ta có nhiều lý do để nghi ngại rằng con số thực tế sẽ còn lớn hơn rất nhiều và mục đích sử dụng các dữ liệu này không chỉ dừng lại ở đó.

Cũng bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta cho rằng, trên facebook, mỗi người dùng thực ra chỉ là “sản phẩm” còn các nhà quảng cáo trả tiền cho facebook mới là các “khách hàng” thực sự. Đây cũng là khởi đầu cho phong trào kêu gọi xóa facebook (#delete facebook) đang khá sôi động những ngày gần đây.

Những người kêu gọi phong trào này đưa ra nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu chung lại, họ cùng chung một quan điểm rằng: “Chúng ta có những cuộc đời đáng sống hơn nhiều sau facebook”.

Và, không chỉ facebook, có thể mỗi công dân mạng cũng cần nhớ rằng, kể cả Google, Microsoft, Twitter, Yahoo,… và nhiều nhiều công ty công nghệ khác cũng đang cung cấp dịch vụ miễn phí cho cả tỷ khách hàng nhưng vẫn có doanh thu khủng nhiều tỷ USD mỗi năm.